Ứng dụng công nghệ đưa chính quyền đến gần người dân

17:25 - Thứ Hai, 18/11/2024 Lượt xem: 1512 In bài viết

ĐBP - Chính thức triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 9/2023, Điện Biên Smart được ví như “siêu ứng dụng” tích hợp nhiều tính năng hiện đại, tạo cầu nối trực tiếp giữa người dân và các cấp chính quyền. Có thể tương tác mọi lúc, mọi nơi, không kể giờ hành chính, cùng nhiều tiện ích mang lại, ứng dụng này đang tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng và tiến tới mục tiêu xã hội số.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên cài đặt ứng dụng Điện Biên Smart trên điện thoại thông minh.

Dễ kết nối, tăng tương tác

Với chiếc điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Điện Biên Smart, ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) có thể gửi ý kiến kiến nghị về sự xuống cấp của đường điện chiếu sáng tại tổ dân phố đến chính quyền địa phương (bằng cả văn bản và hình ảnh), chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Sau khoảng 10 ngày, ông Vĩnh nhận được trả lời của thành phố cũng như phương án xử lý từ UBND phường sở tại. Không những vậy, ông còn theo dõi tiến độ xử lý, tiếp nhận kết quả và đánh giá chất lượng giải quyết ngay tại nội dung phản ánh.

“Trước kia, khi có kiến nghị hoặc phản ánh gì, tôi phải sắp xếp thời gian, công việc đến tận trụ sở cơ quan nhà nước vào giờ hành chính hoặc phải chờ đến ngày tiếp công dân, tiếp xúc cử tri. Nhưng hiện nay, tôi có thể gửi ý kiến mọi lúc, mọi nơi thông qua ứng dụng Điện Biên Smart. Thông qua ứng dụng này, tôi thấy những phản ánh, kiến nghị của người dân được cơ quan chức năng quan tâm sát sao và xử lý nhanh chóng hơn” - ông Vĩnh chia sẻ.

Phản ánh về cột điện “án ngữ” giữa đường của công dân trên ứng dụng Điện Biên Smart.

Qua ứng dụng Điện Biên Smart, ngày 26/9, Phòng Quản lý đô thị TP. Điện Biên Phủ tiếp nhận nội dung phản ánh hiện trường của công dân về việc “Đường dân sinh ở tổ 10, phường Mường Thanh (phía sau Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ) sau khi được mở rộng có cột điện án ngữ giữa đường rất nguy hiểm cho giao thông, nhất là khi trời tối. Đề nghị ngành điện lực di chuyển để đảm bảo an toàn giao thông”.

Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh, Phòng Quản lý đô thị thành phố đã phối hợp với đơn vị chủ quản là Điện lực thành phố nắm bắt tình hình và giải quyết sự việc. Thừa nhận bất cập trên, đại diện Điện lực thành phố lý giải: Trong quá trình quy hoạch xây dựng mới Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ, các đơn vị đã để lại một phần đất, với mục đích mở rộng đoạn đường. Do đó dẫn đến tình trạng vị trí cột điện trước đây nằm sát tường bao của nhà trường, thì nay lại cách tường bao khoảng 1m. Đầu tháng 10, Điện lực thành phố đã bố trí nhân lực, phương tiện tiến hành di dời cột điện vào vị trí sát tường bao, giải phóng lòng đường.

Sau phản ánh, cột điện đã được di chuyển, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Trước đó vào ngày 19/4, một người dân phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) phát hiện những thanh kim loại lởm chởm trên đường đã nhanh chóng phản ánh việc này thông qua ứng dụng Điện Biên Smart. Nội dung phản ánh được gửi bao gồm cả hình ảnh và vị trí xác thực. Ba ngày sau phản ánh, Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố gửi thông báo phản hồi: “UBND phường Mường Thanh đã kiểm tra, xử lý các vị trí vít khoan chờ chân tấm pano, gây nguy hiểm cho người đi bộ.” Thông báo này được công bố công khai ngay trên ứng dụng Điện Biên Smart.

Một trường hợp khác, vào cuối tháng 3/2024, người dân thông qua ứng dụng Smart Điện Biên phản ánh về thái độ chưa chuẩn mực của nhân viên soát vé tại di tích hầm Đờ Cát. Rất nhanh sau đó, UBND TP. Điện Biên Phủ ra văn bản thông báo công khai với nội dung: “Ban Quản lý di tích thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhắc nhở thái độ của bộ phận soát vé, hướng dẫn viên đối với khách khi tham quan”.

Thu hẹp khoảng cách chính quyền và người dân

Những sự việc trên chỉ là ví dụ cụ thể trong rất nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân gửi đến các cấp chính quyền thông qua ứng dụng Điện Biên Smart và được xem xét, xử lý ngay sau đó. Theo thống kê, số lượng phản ánh tiếp nhận thông qua ứng dụng hiện nay chưa nhiều, song hiệu quả giải quyết, xử lý thông tin phản ánh lại được đánh giá cao.

Thay vì đến trụ sở cơ quan Nhà nước, công dân có thể gửi phản ánh, kiến nghị tại nhà với các thao tác đơn giản trên điện thoại di động thông qua ứng dụng Điện Biên Smart.

Qua theo dõi quá trình xử lý phản ánh cho thấy, ứng dụng Điện Biên Smart đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhất là của người đứng đầu, các đơn vị liên quan và cán bộ trực tiếp tham gia xử lý phản ánh. Việc xử lý phản ánh được thực hiện khẩn trương, qua đó nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, kịp thời giải quyết những bất cập phát sinh, tránh để phức tạp tình hình và bức xúc trong nhân dân.

Đơn cử, tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, từ đầu năm đến nay tiếp nhận 4 kiến nghị của người dân thông qua ứng dụng Điện Biên Smart. 100% kiến nghị được xem xét, giải quyết đảm bảo về thời gian và quy định.

Ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: “Theo quy trình, khi UBND huyện chuyển phản ánh của công dân về xã, thông thường sẽ ấn định thời gian xử lý. Tùy từng vụ việc cụ thể, UBND xã sẽ phối hợp cùng các phòng, ban, cơ quan liên quan để tiến hành xác minh, xử lý. Do tiến độ công việc được thể hiện công khai trên nền tảng ứng dụng nên từng cán bộ, bộ phận chuyên môn phải tự nâng cao trách nhiện, cố gắng giải quyết, xử lý trong thời gian sớm nhất”.

Thanh niên xã Phu Luông, huyện Điện Biên tra cứu, tìm hiểu thông tin trên ứng dụng Điện Biên Smart.

Ứng dụng Điện Biên Smart được phát triển trên nền tảng điện thoại thông minh, thiết kế riêng cho người dân Điện Biên, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn. Thống kê từ Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay toàn tỉnh có trên 70.000 người đăng ký, cài đặt ứng dụng Điện Biên Smart. Thông qua ứng dụng, đã có gần 300 phản ánh hiện trường của công dân được chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết. Trong đó có trên 85% nội dung phản ánh đã và đang được giải quyết; số còn lại mới tiếp nhận hoặc không đủ điều kiện xử lý.

Thông tin từ bộ phận chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông: Trên hệ thống ứng dụng có định vị để đơn vị tiếp nhận xác định được vị trí cụ thể mà người dân đề cập. Đặc biệt, những phản ánh của người dân sẽ được tự động chuyển đến hệ thống quản lý văn bản hồ sơ công việc của các huyện, thành phố rồi được xử lý như văn bản thông thường. Đơn vị tiếp nhận, xử lý phản ánh sẽ có trách nhiệm xác minh, kiểm tra và thông báo công khai đến người phản ánh. Khi người dân nhận được câu trả lời, họ sẽ đánh giá kết quả xử lý của chính quyền theo các mức độ hài lòng hoặc không hài lòng. Hệ thống sẽ thống kê, cập nhật cụ thể về quy trình xử lý của các địa phương trước phản ánh của người dân.

Đoàn viên thanh niên huyện Điện Biên hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Điện Biên Smart.

Ngoài việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân, ứng dụng Điện Biên Smart còn cung cấp các dịch vụ thông minh gồm: Nộp và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; liên hệ đến các tổng đài hỗ trợ khẩn cấp như công an, y tế, phòng cháy chữa cháy; tìm hiểu thông tin quy hoạch các khu đô thị trên địa bàn tỉnh; tham quan các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh thông qua công nghệ 3D; truy cập theo dõi hình ảnh tại các vị trí lắp đặt camera. Ngoài ra, Điện Biên Smart cũng tích hợp một số ứng dụng, phần mềm thiết yếu phục vụ cán bộ công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp như: Quản lý văn bản và điều hành (TDOffice), VNeID, thư điện tử công vụ…

Hiện nay, toàn tỉnh đang nỗ lực triển khai công tác truyền thông, hỗ trợ nhân dân cài đặt ứng dụng với mục tiêu phấn đấu cài đặt và sử dụng ứng dụng Điện Biên Smart đạt tối thiểu 100.000 tài khoản. 100% cơ quan, đơn vị tiếp nhận và giải quyết phản ánh hiện trường trên hệ thống thông tin phản ánh hiện trường của IOC Điện Biên.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top