Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

16:16 - Thứ Tư, 20/11/2024 Lượt xem: 443 In bài viết

Đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên... Do đó, đề nghị phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Phát biểu thảo luận các đại biểu bày tỏ hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Về nội dung cụ thể, vấn đề được nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm cho ý kiến là công nghệ dự án.

Phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ

Qua nghiên cứu các tài liệu và tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia phản biện trong lĩnh vực giao thông, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ Bắc - Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để chúng ta làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. 

 Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội)

Phân tích lí do, đại biểu chỉ rõ bài học kinh nghiệm từ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội) và tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) do nhà thầu nước ngoài thi công trọn gói, khi điều kiện không đáp ứng là nhà thầu nước ngoài dừng dự án và yêu cầu xử phạt thời gian chờ đợi. Thêm vào đó, quá trình vận hành, sửa chữa thay thế, sẽ lệ thuộc mãi vào nhà cung cấp nước ngoài.

“Nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì không chỉ rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên bao nhiêu chưa biết và nguy hại hơn sẽ lệ thuộc mãi vào các nhà cung cấp nước ngoài” - đại biểu lo ngại.

Đại biểu cũng nêu rõ, bài học kinh nghiệm khi chúng ta triển khai thành công tuyến đường dây 500KV mạch 3 với thời gian hoàn thành thần tốc là do chúng ta làm chủ về công nghệ, chúng ta là người trực tiếp thi công nên có thể vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu cũng cho rằng, nếu kết hợp dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với các dự án đường sắt đô thị Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ có một thị phần đường sắt khoảng 150 tỷ đô la, là thị trường đủ lớn để nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, tự xây dựng, có chăng chỉ mua trọn gói một số bộ phận thật đặc thù, đơn chiếc như đầu máy, hệ thống điều khiển. 

“Thực tế Vinfast đã nhận chuyển giao công nghệ để tự sản xuất ô tô, thì chắc chắn doanh nghiệp trong nước đủ năng lực để nhận chuyển giao công nghệ đường sắt và tiếp tục nghiên cứu cải tiến, phát triển cao hơn. Làm được như thế, chúng ta không chỉ có được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mà nước ta còn phát triển được ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình” - đại biểu nhấn mạnh.  

Do vậy, theo đại biểu, việc chọn nhà cung cấp không cần quan tâm là nước nào, mà cần quan tâm lựa chọn công nghệ nào để có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh sẵn sàng chuyển giao công nghệ.

Lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải đảm bảo tính phổ quát 

Cũng quan tâm đến vấn đề công nghệ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) cho biết, Chính phủ đã đề xuất công nghệ chạy trên ray, công nghệ đoàn tàu động lực phân tán với tàu khách, tàu hàng áp dụng công nghệ động lực tập trung, thông tin tín hiệu áp dụng như một số nước. Tuy nhiên, hiện chưa rõ công nghệ theo khung tiêu chuẩn nào? Tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu? 

Đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải có định hướng lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải đảm bảo tính phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam; đề án phát triển công nghiệp cần xây dựng lộ trình và nguồn lực cụ thể để đảm bảo việc chuyển giao và tiếp nhận công nghệ phù hợp với tiến độ dự án.

 Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) 

Về tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, đại biểu chỉ rõ, thực tế việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực thường gắn với quá trình chuẩn bị dự án, đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị, phương tiện. Do đó, trong giai đoạn tiếp theo, các khoản mục chi phí liên quan đến chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cần phải được chi tiết, gắn với trách nhiệm cụ thể của các chủ thể tham gia dự án để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn, dài hạn về nguồn nhân lực cho lĩnh việc này trong tổng thể phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực mới nổi, đổi mới sáng tạo nhất là công nghệ AI, block change, chíp bán dẫn…

Vẫn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, để đảm bảo tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 cần phải huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai dự án. “Đây là dự án khó, mới, chưa có tiền lệ vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế có năng lực để hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có năng lực thực sự để dự án đạt tiến độ nhanh nhất, chất lương cao nhất. Tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù đặc biệt để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các bước tiếp theo” - đại biểu nhấn mạnh.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, đây là công nghệ tiến tiến, hiện đại mà chỉ rất ít nước trên thế giới có, trong khi phải nhìn nhận thực tế là nước ta rất lạc hậu trong lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực phụ trợ có liên quan. Do đó, chắc chắn phải phụ thuộc vào nước ngoài. Mặt khác, vấn đề nguồn nhân lực để đáp ứng cho dự án cũng là một câu hỏi lớn, bởi nếu trục trặc thì ảnh hưởng đến tiến độ cũng như việc tổ chức thực hiện dự án. 

“Thực tế là các dự án đường sắt đô thị chậm một phần do nội dung này; hay như Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành giai đoạn 1 của dự án sân bay quốc tế Long Thành có lý do là do dịch COVID-19 nên ảnh hưởng “trong công tác huy động chuyên gia nước ngoài” …” - đại biểu nêu. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, có phương án, giải pháp ứng phó trong các tình huống không mong muốn và kế hoạch cụ thể, khả thi cho việc đào tạo nguồn nhân lực của dự án này để hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài.

Đại biểu cũng bày tỏ quan tâm việc làm sao thu hút được đầu tư tư nhân trong nước, để vừa giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, có thể trực tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để nội địa hoá ở mức tối đa từ đó giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài vừa có thể huy động nguồn lực toàn xã hội để giảm bớt sức ép cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, nên thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào việc xây dựng nhà ga và các dịch vụ hỗ trợ khác...

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top