Xã hộiChuyển đổi số

Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

07:43 - Thứ Năm, 25/08/2022 Lượt xem: 4365 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà cũng không nằm ngoài xu thế đó. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp ngành từng bước nâng cao hiệu quả quản lý và đổi mới chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục ở tỉnh miền núi như Điện Biên còn gặp không ít khó khăn cần phải vượt qua…

Ứng dụng CNTT trong giảng dạy tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, TP. Điện Biên Phủ.

Ngành GD&ĐT xác định chuyển đổi số tập trung ở hai lĩnh vực đó là quản lý giáo dục và dạy học - kiểm tra đánh giá. Trong quản lý giáo dục bao gồm số hóa thông tin quản lý, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, liên thông trong toàn ngành, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định một cách nhanh chóng, chính xác. Trong dạy học và kiểm tra đánh giá bao gồm số hóa tài liệu, học liệu, thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống dạy học, đào tạo trực tuyến, xây dựng trường học thông minh, lớp học thông minh…

Để thực hiện mục tiêu đó, ngành GD&ĐT xây dựng kế hoạch chuyển đổi số nhằm cụ thể hóa các nội dung Đề án, kế hoạch của tỉnh để triển khai thực hiện trong toàn ngành. Trong đó, tập trung tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên, học viên. Tập trung hoàn thiện hạ tầng CNTT, mạng internet một cách đồng bộ từ vùng thuận lợi đến cả các vùng khó khăn; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số.

Ngành cũng tăng cường công tác quản lý, dạy học thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa hồ sơ, sổ sách theo kế hoạch của tỉnh. Tập trung thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo định hướng của Bộ GD&ĐT và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Thực hiện lựa chọn các giải pháp phần mềm dạy học trực tuyến đa dạng và phù hợp với nhu cầu

điều kiện thực tế của ngành. Ngành triển khai ngân hàng câu hỏi và hệ thống xây dựng đề kiểm tra đánh giá, kho học liệu số của ngành để hỗ trợ giáo viên, học sinh nhất là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các hình thức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, dạy học Steam và các hình thức dạy học hiện đại khác. Điều này mang lại lợi ích là thay vì vài chục học sinh phải ngồi trong phòng học với bốn bức tường như trước đây, công nghệ số đã mở ra một không gian học tập linh động hơn. Giờ đây, người học có thể tiếp thu kiến thức một cách thuận tiện và dễ dàng trên mọi thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh…).

Ngoài ra, ngành tăng cường tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn qua mạng internet; triển khai hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên LMS; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 tích hợp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và quốc gia để giải quyết các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của Sở Giáo dục và Đào tạo. Từ đầu năm 2022 đến nay, hệ thống tiếp nhận gần hơn 16.000 dịch vụ và đều xử lý đúng hạn.

Nhờ những nỗ lực đó, đến nay cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT cơ bản đáp ứng được nhu cầu; 100% cơ quan, đơn vị ngành Giáo dục và Đào tạo đã kết nối Internet cáp quang tốc độ cao; 100%  cơ quan quản lý giáo dục và trường học có đủ số lượng máy tính, máy chiếu và thiết bị khác phục vụ công tác quản lý và dạy học. Đặc biệt, trong năm học 2021 - 2022, ngành đã vận động, kêu gọi tài trợ và nhận được gần 45 tỷ đồng theo Chương trình Sóng và máy tính cho em, 5.000 chiếc máy tính bảng 5.000 sim điện thoại kèm gói cước 3G, 4G miễn phí để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện tham gia học trực truyến khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nguồn nhân lực về CNTT trong toàn ngành cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Cán bộ, giáo viên toàn ngành thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng và có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên có chứng chỉ kỹ năng sử dụng CNTT theo đúng quy định đạt 85%.

Có thể thấy rằng, chuyển đổi số đã và đang dần “thấm sâu” vào các hoạt động giảng dạy, học tập của ngành GD&ĐT tỉnh nhà và mang đến nhiều tín hiệu tích cực. Tuy vậy, công tác này vẫn còn không ít thách thức. Trong đó, nhận thức về chính quyền điện tử, chuyển đổi số một cách toàn diện và sâu rộng của một số đơn vị, cá nhân trong ngành chưa cao. Nhiều máy tính, thiết bị CNTT và hỗ trợ dạy học được đầu tư đã lâu hiện đã xuống cấp, hết niên hạn sử dụng. Việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật, các phần mềm, hệ thống hỗ trợ quản lý điều hành, dạy học và kiểm tra đánh giá đôi khi chưa đồng bộ, thống nhất giữa các đơn vị dẫn đến việc cơ sở dữ liệu bị chia tách, không đồng nhất, không kết nối liên thông với nhau, không hỗ trợ tốt việc thống kê, tổng hợp, điều hành chung trong toàn tỉnh. Nguồn nhân lực về CNTT tại các đơn vị không đồng đều, chủ yếu kiêm nhiệm, hay có sự thay đổi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc bố trí nguồn kinh phí cho các nội dung chuyển đổi số còn hạn chế…

Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh nhà tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung về chuyển đổi số. Ưu tiên triển khai các hệ thống hỗ trợ công tác quản lý, dạy và học tại các trường một cách đồng bộ, hiệu quả, như: Hệ thống quản lý nhà trường, dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá trực tuyến, kho học liệu số, dịch vụ công nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đổi mới nội dung phương pháp dạy học. Triển khai thực hiện kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện số hóa các loại hồ sơ, sổ sách; xây dựng hệ sinh thái giáo dục, hệ thống thông tin điện tử gia đình và nhà trường. Tiếp tục triển khai sử dụng hiệu quả các hệ thống phần mềm: Cơ sở dữ liệu ngành, phổ cập giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, PMIS và các phần mềm khác; thực hiện cập nhật thông tin và báo cáo đầy đủ, đúng thời gian quy định… Đồng thời, ngành tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; tranh thủ các nguồn lực để tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nguồn nhân lực CNTT trong phạm vi toàn ngành.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top