Xã hộiChuyển đổi số

Chuyển đổi số, hiện đại hóa thủ tục hải quan

06:02 - Thứ Tư, 07/09/2022 Lượt xem: 1808 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, Cục Hải quan Điện Biên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan như: Thực hiện thủ tục hải quan, xử lý vi phạm, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Xe chở hàng chờ làm thủ tục tại Cửa khẩu quốc tế Tây Trang.

Hiện nay, ngành Hải quan Điện Biên đã tiếp nhận và triển khai thành công Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, nhờ đó các thủ tục hành chính cốt lõi trong lĩnh vực hải quan đã được cung cấp DVCTT mức độ 4. Từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Hải quan Điện Biên đã tiến hành rà soát, chuẩn bị về cơ sở, hạ tầng công nghệ và chính thức vận hành Hệ thống HQ36a vào năm 2017, mở rộng cung cấp DVCTT. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan hiện nay đang được cung cấp DVCTT trên các hệ thống gồm: Hệ thống DVCTT HQ36a; cổng thanh toán điện tử; cổng thông tin một cửa quốc gia.

Đến ngày 30/8/2022, Cục Hải quan Điện Biên đã cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 cho 279 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, trong đó có 266 thủ tục đã được cung cấp DVCTT ở mức độ 4. Đồng thời tổ chức vận hành, khai thác có hiệu quả hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan E-customs; hệ thống quản lý hải quan tự động VASSCM; hệ thống kiểm tra sau thông quan; Cổng thông tin điện tử hải quan... Đặc biệt là đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Cục qua các chương trình ứng dụng nghiệp vụ như: GTT02, MHS, STQ01, CI02, QLVP14, kế toán tập trung, kế toán nội bộ, quản lý cán bộ ngành tài chính, hệ thống quản lý PTVT đường bộ để việc chỉ đạo điều hành được nhanh chóng.

Theo số liệu thống kê, từ ngày 1/1 - 21/8/2022, Cục Hải quan Điện Biên đã thực hiện thủ tục hải quan trên địa bàn với 64 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu; 1.174 tổng số tờ khai đã đăng ký làm thủ tục hải quan; trong đó 219 tờ khai nhập khẩu, 955 tờ khai xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 49,918 triệu USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 36,739 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 12,459 triệu USD. Việc chuyển đổi số không chỉ mang lại lợi ích với cơ quan Hải quan mà còn giúp hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp diễn ra thuận tiện. Hiệu qua thực tiễn qua việc chuyển đổi số đã giúp thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí phát sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ thực hiện khai thông tin hàng hóa một lần để thực hiện nhiều thủ tục hành chính thông qua hệ thống một cửa quốc gia. Nâng cao tính minh bạch, phòng chống tham nhũng, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến trình xử lý của các cơ quan quản lý Nhà nước trong chuỗi cung ứng… Nhờ đó các doanh nghiệp đã được tạo thuận lợi trong quá trình làm thủ tục; cho phép doanh nghiệp khai báo và thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị có kết nối internet, nhất là đối với các doanh nghiệp phát sinh nhiều tờ khai. Tiêu biểu trong thời gian qua có: Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu phân bón Thành Phát (Lào Cai) thường xuyên nhập khẩu một số mặt hàng nông sản (ngô hạt, tỏi, rau súp lơ, bắp cải, cải thảo) qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang với số lượng 54 tờ khai, trị giá khoảng 2.176.979 USD; Doanh nghiệp Tư nhân Nguyễn Hồng Vĩnh (Lạng Sơn) thường xuyên xuất khẩu một số mặt hàng nông sản (quả sầu riêng, quả chanh leo, thảo đậu khấu) qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang với số lượng 132 tờ khai, trị giá khoảng 10.730.344 USD.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top