Xã hộiChuyển đổi số

Chuyển đổi số bắt đầu từ nhận thức

07:41 - Thứ Hai, 10/10/2022 Lượt xem: 3223 In bài viết

ĐBP - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay. Thời gian qua tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp, y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nhận thức của nhân dân.

Công an TP. Điện Biên Phủ tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh tại chợ Trung tâm I cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114” trên điện thoại thông minh.

Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng năm 2030, tỉnh xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đầu tiên là chuyển đổi nhận thức. UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết chuyển đổi số. Đồng thời gắn các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, lựa chọn các xã, phường để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân.

Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở mỗi khu phố, thôn, bản để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Góp phần đưa công nghệ số nhanh chóng lan tỏa đến mọi mặt của đời sống và đến từng người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được hơn 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 5.500 người tham gia (gồm lãnh đạo các xã, các hội đoàn thể, giáo viên, trưởng thôn, bản).

Anh Nguyễn Văn Toàn, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Trước đây mỗi khi làm các thủ tục hành chính như sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, giấy khai sinh... đều phải đến các cơ quan chức năng của phường, thậm chí phải đi lại nhiều lần mới hoàn thành. Bây giờ tôi đã được tổ công nghệ số cộng đồng của phố, phường tuyên truyền về những tiện ích của chuyển đổi số cũng như hướng dẫn cài đặt, sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo, đăng ký, cập nhật những thủ tục hành chính. Đơn cử như trước đây gia đình tôi làm giấy khai sinh cho con gái thì phải ra UBND phường để làm, nhưng hiện nay chỉ cần ngồi nhà với điện thoại thông minh, hoặc máy tính có kết nối internet là có thể đăng ký trực tuyến và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, không phải mất công đi lại nhiều lần.

Hiện nay 100% cơ quan Nhà nước các cấp đã sử dụng nền tảng quản lý văn bản và hồ sơ công việc, liên thông vào hệ thống quốc gia; áp dụng hệ thống chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Trong nhiệm vụ phát triển Chính phủ số, đến nay tất cả cơ quan, đơn vị các cấp triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh đảm bảo kết nối Trung ương đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh (từ đầu năm đến nay đã có 60 hội nghị được thực hiện trực tuyến). Về phát triển kinh tế số, đến nay toàn tỉnh có 778 doanh nghiệp tham gia sử dụng nền tảng số và 1.087 doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội số được quan tâm, mã địa chỉ bưu chính dựa trên nền tảng bản đồ số được triển khai đến 99% hộ gia đình; 35% người dân có tài khoản thanh toán điện tử. Tỷ lệ người dân được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, thương mại điện tử...) ngày càng tăng.

Chuyển đổi số sẽ không mang lại hiệu quả cao khi mỗi người chưa thay đổi nhận thức. Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phục vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể dựa trên công nghệ số, chính quyền số, kinh tế số; ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Trong đó, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: cung cấp 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình...

Để thực hiện các mục tiêu trên thì việc nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số cần có giải pháp cụ thể từ triển khai tuyên truyền, giao nhiệm vụ và kiểm tra, đánh giá. Cách tuyên truyền thuyết phục nhất chính là việc nêu gương của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top