ĐBP - Trước bối cảnh công nghệ số đang và sẽ được tích hợp vào tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, dần trở thành nền tảng, hạ tầng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của phát triển công nghệ số trong hoạt động hội và phong trào phụ nữ, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động cũng như sản xuất, kinh doanh.
Sau 3 năm thành lập, Câu lạc bộ nữ Doanh nhân tỉnh hiện có gần 50 thành viên tham gia, nhằm hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Dù mới đi vào hoạt động và mỗi thành viên trong CLB đều kinh doanh, sản xuất trong một lĩnh vực khác nhau, song trước yêu cầu về chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trong phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều chị em đã mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tận dụng các nền tảng số như zalo, facebook, youtube, tiktok... để phân phối, bán hàng; qua đó mở ra nhiều cơ hội cho khởi nghiệp, giúp phụ nữ hòa mình vào nền kinh tế số.
Bà Phạm Huyền Châm, Chủ nhiệm CLB nữ doanh nhân tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay, chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh có vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, gắn với các hoạt động phụ nữ khởi nghiệp, CLB bước đầu đã có những hoạt động tư vấn, hỗ trợ chị em dần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ trong ứng dụng công nghệ số. Nhiều chị em có thể đã sử dụng nền tảng công nghệ số nhưng chưa khai thác hết tiềm năng hay không hiểu biết nên chưa đem lại hiệu quả. Vì lẽ đó, CLB đã phát động phong trào để chị em tích cực đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số, áp dụng vào sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đặc biệt là việc chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội cho người dân, hội viên phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé chia sẻ: Ở vùng sâu, vùng xa, trước kia, hạ tầng công nghệ còn nhiều hạn chế, nhất là ở các bản xa xôi. Thế nhưng giờ đây, chỉ cần ở đâu có mạng thì với 1 chiếc điện thoại thông minh, chị em phụ nữ đều có thể tiếp cận với các nền tảng số. Thông qua đó, nhiều chị em có thể tham gia bán hàng online, nắm bắt các thông tin… thông qua mạng xã hội. Ngoài ra, trong thời buổi công nghệ số đang dần chiếm ưu thế, các hoạt động của Hội LHPN các cấp cũng điều hành qua nền tảng số, mạng xã hội, giúp thông tin kịp thời, nhanh chóng và tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức trong việc triển khai các hoạt động…
Thực tế, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã nhanh chóng, chủ động thích nghi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động; trong đó tăng cường họp trực tuyến, sử dụng văn bản điện tử, trao đổi thông tin qua các trang mạng xã hội để vừa kịp thời thông tin tới cán bộ, hội viên phụ nữ, nhằm phục vụ mục đích tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị kịp tiến độ, có hiệu quả…
Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hội LHPN tỉnh Điện Biên là tổ chức chính trị - xã hội có mạng lưới rộng khắp tới từng thôn bản với 104.716 hội viên, sinh hoạt tại 1.446 chi, tổ thuộc 129 xã, phường, thị trấn. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của phát triển công nghệ số trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Hội LHPN tỉnh cũng không nằm ngoài guồng quay của cuộc cách mạng công nghệ và yêu cầu nhiệm vụ của hệ thống hội. Để thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp hội, Hội LHPN các cấp đã lập các nhóm chung trên nền tảng mạng xã hội để nắm bắt thông tin cũng như phân công nhiệm vụ. Các cấp hội cũng đã chủ động, sáng tạo, áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ trong các chương trình, hoạt động của hội, như: Sử dụng phần mềm quản lý hội viên, phần mềm báo cáo thống kê, xử lý văn bản hồ sơ công việc TD office, MC ảo… Hội LHPN tỉnh coi đẩy mạnh chuyển đổi số là một khâu đột phá nhằm “Đổi mới phương thức hoạt động của hội trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”. Để làm được điều đó, hội yêu cầu mỗi cán bộ, hội viên cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận, nâng cao kiến thức về công nghệ số; các cấp hội có kế hoạch, giải pháp cụ thể, lâu dài gắn với tăng cường tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên. Phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0…
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu, giúp thay đổi phương thức hoạt động của hội cũng như sản xuất, kinh doanh của các hội viên hội phụ nữ. Thế nhưng hiện nay, không ít hội viên phụ nữ chưa có nền tảng về khoa học - kỹ thuật, thiếu hụt kỹ năng tiếp cận các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, nhiều chị em còn gặp khó khăn, trình độ dân trí hạn chế đã trở thành rào cản lớn trong việc tiếp cận công nghệ số. Tuy nhiên, trước những thời cơ và thách thức mà chuyển đổi số mang lại, mỗi hội viên phụ nữ cần nỗ lực, tích cực học hỏi, trau dồi, trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ để thích ứng với thời đại công nghệ số, kinh tế số. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số không chỉ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả các hoạt động của Hội LHPN các cấp, mà còn giúp nhiều chị em tham gia sản xuất, kinh doanh có cơ hội kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; từ đó bắt kịp xu thế, hội nhập và phát triển trong thời đại số.