Góc nhìn tiêu điểm
ĐBP - Chuyển đổi số hầu như đã trở thành một khái niệm phổ biến trong thời gian qua. Trên các lĩnh vực, trong môi trường làm việc, lao động sản xuất, kinh doanh, nghỉ chơi giải trí, bên bàn cà phê hay trong quán nhậu… rất dễ nghe nói đến, trực tiếp hay gián tiếp về chuyển đổi số. Song, có một thực tế là đến nay có không ít người chưa hiểu bản chất “chuyển đổi số” là gì!
Trong Thông báo số 159/TB-VPCP ngày 27/5/2022 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thứ hai Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã đánh giá: “Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở các bộ, ngành, địa phương tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sự sâu sắc, việc thực hiện còn mang tính hình thức…”.
Trên địa bàn tỉnh ta, tuy nghe nói nhiều song nhận thức về chuyển đổi số tại nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn hạn chế. Ngay cả đối với đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, nhận thức về chuyển đổi số cũng chưa đồng đều. Thế nên việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức toàn dân còn nhiều bất cập. Trong khi, nhận thức đóng vai trò trọng yếu để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, tỉnh Điện Biên đạt 334,5/1000 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, chỉ số “Nhận thức số” trong “nhóm chỉ số nền tảng chung” đạt thấp nhất với 31,67/100 điểm, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố.
Tất nhiên, Điện Biên có nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số, trong khi đây mới là năm thứ 2 Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đánh giá chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương. Và nếu so với năm 2020 thì Điện Biên đã tăng 7 bậc xếp hạng toàn quốc là một kết quả đáng khích lệ.
Nhằm nâng cao vị trí xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh Điện Biên. Trong đó xác định những mục tiêu cụ thể và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Song, như đã nói ở trên, để tổ chức thực hiện hiệu quả thì nhận thức vẫn là yếu tố hàng đầu.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định quan điểm: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số tác động mọi người dân, do đó phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho phát triển chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân và doanh nghiệp. Mọi người dân đều phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số”.
Thế nên, trong các cơ quan, đơn vị, nhận thức của người đứng đầu là rất quan trọng, để truyền cảm hứng và quyết tâm tới cán bộ, nhân viên.
Ở cơ sở, cán bộ cấp xã, bản, tổ dân phổ phố phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân, từ đó thực hiện các nội dung đưa công nghệ số vào cuộc sống, như: Cài đặt phần mềm tra cứu, phòng chống dịch bệnh; phần mềm bảo hiểm xã hội, thanh toán tiền điện, tiền nước trên điện thoại...
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhận thức của giám đốc, chủ cơ sở sẽ “dẫn dắt” đơn vị chuyển đổi số đúng hướng. Mặt khác, nhận thức của người lao động cũng cần thay đổi, họ phải hiểu rằng: Nếu không thay đổi, không nâng cao trình độ tiếp cận công nghệ mới sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc, sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập...
Mục tiêu, nhiệm vụ tỉnh đã ban hành và phân công. Vấn đề là khâu tổ chức thực hiện của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị... như thế nào!