Xã hộiChuyển đổi số

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể thực hiện chuyển đổi số

14:28 - Chủ Nhật, 25/12/2022 Lượt xem: 2698 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (25/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyếnn toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Sau 1 năm triển khai Đề án 06 đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nổi bật là việc nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương; công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực; 100% bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số; tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động đều tăng cao hơn mức trung bình của thế giới. Có 48/63 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh.

Tại tỉnh Điện Biên, đến nay toàn tỉnh đang triển khai 23/25 dịch vụ thiết yếu theo Đề án 06, trong đó có 23 thủ tục ở mức độ 3 và 4; toàn tỉnh đã tiếp nhận 192.865 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 113.011 hồ sơ, đạt 59% theo 25 dịch vụ công của Đề án 06. Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đã có 139/139 cơ sở y tế triển khai việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân, 21/139 cơ sở có thiết bị quét mã QR. Về nhóm phục vụ phát triển công dân số, đến nay toàn tỉnh đã thu nhận được 98,1% hồ sơ cấp căn cước công dân; tiến hành thu nhận 230.501 hồ sơ định danh điện tử (đạt 50%); làm sạch và đồng bộ vào hệ thống 100% dữ liệu; làm sạch dữ liệu tiêm chủng cho 171.438 trường hợp đạt 86,70%... Tỉnh Điện Biên kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương có liên quan sớm hoàn thành việc thí điểm và đưa 2 thủ tục liên thông theo Đề án 06 chính thức đi vào hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi giải quyết các thủ tục hành chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ năm 2023 tình hình dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi. Vì vậy việc chuyển đổi số quốc gia nói chung, thực hiện Đề án 06, công tác chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương nói riêng đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Vấn đề chuyển đổi số, quản lý dân cư, thực hiện Đề án 06 có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023. Thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tiếp thu thành tựu, tinh hoa của thế giới về chuyển đổi số, vận dụng sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam; các bộ, ngành, địa phương cần tiến hành thường xuyên, liên tục chuyển đổi số. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện Đề án. Tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, từng bước thay đổi nhận thức trong nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, tránh tình trạng làm theo kiểu hình thức. Tăng cường nhận thức về chuyển đổi số quốc gia; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về chuyển đổi số; quyết liệt triển khai kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và tổ công tác Đề án 06. Thường xuyên đánh giá mức độ hài lòng về chuyển đổi số thông qua người dân, doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công trên môi trường mạng; hoàn thiện quy trình số hóa hồ sơ trên môi trường mạng kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử trên môi trường mạng. Cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện, tránh để lộ lọt thông tin; tăng cường công tác an toàn, an ninh mạng. Chú trọng đầu tư, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong công tác chuyển đổi số, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”. Đồng thời trong năm 2023 phải xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia dùng chung.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top