Xã hộiChuyển đổi số

Chuyển đổi số ở ngành Tư pháp

09:54 - Thứ Tư, 28/12/2022 Lượt xem: 2182 In bài viết

ĐBP - Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, Sở Tư pháp thường xuyên quán triệt nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về thực hiện chuyển đổi số toàn diện, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Sở đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số, nâng cao nhận thức của toàn thể công chức, viên chức, người lao động về các nội dung, yêu cầu, thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Kế hoạch về việc chuyển đổi số ngành Tư pháp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến 2030 gồm các nhiệm vụ cụ thể: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chuyển đổi số; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và xã hội số.

Sở Tư pháp đã thành lập Ban Chuyển đổi số của Sở, rà soát triển khai các nhiệm vụ trọng tâm phục vụ chuyển đổi số, triển khai Đề án 06; rà soát, đề xuất bố trí vốn thực hiện dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2022; tổ chức tập huấn phổ biến, quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử. Cùng với đó trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và phối hợp với các địa phương thực hiện số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử từ các sổ hộ tịch cũ tại địa phương nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của tỉnh và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia.

Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt cho phòng tư pháp, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn triển khai các nội dung: Tích hợp, cung cấp các TTHC thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch (đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử) trên Cổng dịch vụ công tỉnh và thực hiện kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử. Tổ chức tập huấn phổ biến, quán triệt, hướng dẫn thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 một số TTHC thiết yếu lĩnh vực hộ tịch cho cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã...

Hiện nay Sở Tư pháp đã thực hiện liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung, 100% hồ sơ phát sinh được thực hiện trực tuyến. Tại UBND các xã, cơ bản thực hiện các TTHC thiết yếu thuộc lĩnh vực tư pháp trên hệ thống. Trung tuần tháng 9/2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp tại 100% đơn vị cấp xã (129 xã, phường, thị trấn). Đối với các thủ tục liên thông, gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và thủ tục liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí hiện đang thực hiện ở mức độ 2. Về cơ sở vật chất và trang thiết bị như máy vi tính, máy in, máy phô tô, máy scan, internet để phục vụ công tác khai thác số hóa tại Sở cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện số hóa. Đối với UBND cấp huyện, cấp xã đã trang bị 128/142 máy tính cho công chức hộ tịch; 3/10 phòng tư pháp cấp huyện (Mường Lay, Nậm Pồ, Mường Nhé) được trang bị máy scan riêng; 7/10 phòng tư pháp sử dụng chung máy scan tại bộ phận “một cửa” UBND cấp huyện; 118/129 xã, phường, thị trấn sử dụng chung máy scan tại bộ phận “một cửa” UBND cấp xã.

Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top