Xã hộiChuyển đổi số

Dấu ấn từ chuyển đổi số

06:46 - Chủ Nhật, 01/01/2023 Lượt xem: 3095 In bài viết

ĐBP - Năm 2022 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Mặc dù quá trình thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Điện Biên gặp nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng, trình độ tiếp cận thông tin của người dân… song các trụ cột về chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) đã chuyển biến tích cực, rõ nét hơn.

Công an TP. Điện Biên Phủ hướng dẫn tiểu thương chợ Trung tâm 1 cài đặt app báo cháy.

Chuyển đổi số sẽ không mang lại hiệu quả cao nếu mỗi người dân, doanh nghiệp chưa thay đổi nhận thức. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết chuyển đổi số. Đồng thời triển khai công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân.

Triển khai thực hiện, các địa phương thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở mỗi khu phố, thôn, bản để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; góp phần đưa công nghệ số nhanh chóng lan tỏa đến mọi mặt của đời sống và đến từng người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được hơn 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 5.500 người tham gia. Nhờ đó, doanh nghiệp, người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình chuyển đổi số, tích cực tham gia.

Chị Nguyễn Thu Hằng, tiểu thương kinh doanh tại chợ Trung tâm 1, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Khi được cán bộ công an hướng dẫn cài đặt app “Báo cháy 114”, tôi thấy ứng dụng dễ sử dụng. Trước đây, khi xảy ra sự cố tôi thường gọi số điện thoại khẩn cấp 114, nhưng lúc khẩn cấp không nhớ chính xác địa điểm xảy ra sự việc gây mất thời gian. Ứng dụng này chỉ cần chạm màn hình điện thoại thông minh là đã báo được vị trí và gửi hình ảnh cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Không chỉ vậy, ngoài tính năng báo cháy, app còn có tính năng hướng dẫn người dân kỹ năng thoát nạn khi gặp cháy nổ, lũ lụt, động đất…

Bên cạnh thay đổi nhận thức người dân, tỉnh ta chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng số. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính; sóng thông tin di động (3G, 4G) đã được phủ đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn. Hạ tầng viễn thông tỉnh phát triển đảm bảo đúng quy hoạch, rộng khắp, đáp ứng tốt sự chỉ đạo điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân, doanh nghiệp, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng chung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện toàn tỉnh có 98,6% thôn, bản được phủ sóng điện thoại di động (tối thiểu 2G); 94,3% khu vực dân cư sinh sống, làm việc (cấp thôn, bản) được phủ sóng thông tin di động mạng 3G, 4G; toàn tỉnh có 506 tuyến cáp quang với tổng chiều dài 3.316km. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang được kéo đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn và 88,9% thôn, bản... Phát triển hạ tầng số đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Đến nay, tất cả cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã sử dụng nền tảng quản lý văn bản và hồ sơ công việc, liên thông vào trục liên thông văn bản quốc gia; số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng; số hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 53%. Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh được kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin đủ điều kiện chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Trung ương, hệ thống thông tin quốc gia. Trung tâm giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai theo mô hình “4 lớp” để thực hiện giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, kịp thời các nguy cơ tấn công mạng trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu ngày một tăng.

Cùng với đó, kinh tế số ngày được quan tâm, hiện nay toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, trong đó có 11 doanh nghiệp nền tảng số. Toàn tỉnh đã có 738 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số (đạt 66,3%), trong đó có 111 doanh nghiệp tiếp cận và tham gia Chương trình SMEDx (đạt 9,97%). Số lượng doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 97,6%. Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, hiện tại đã đưa được 493 sản phẩm lên sàn, trong đó có 42 sản phẩm OCOP.

Những nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội không chỉ tạo nên sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với tỉnh mà còn tác động tích cực, lan tỏa đến mỗi người dân những lợi ích thiết thực. Dù mới là những kết quả bước đầu song đã góp phần và thúc đẩy quá trình phát triển chung của tỉnh trên cả ba trụ cột. Người dân đã dần thay đổi về nhận thức và hành động, bước đầu sẵn sàng trải nghiệm, đón nhận để được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số. Dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ điện, nước, truyền hình số, thuế, nộp học phí, thanh toán phí và lệ phí các thủ tục hành chính...

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top