Xã hộiChuyển đổi số

“Mở đường” chuyển đổi số

06:46 - Thứ Sáu, 06/01/2023 Lượt xem: 2713 In bài viết

ĐBP - Xác định yếu tố hạ tầng số có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả và sự bền vững, “mở đường” cho quá trình chuyển đổi số. Thời gian qua huyện Điện Biên đã ưu tiên, nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; đây được coi là giải pháp cốt lõi để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Cán bộ bộ phận “Một cửa” UBND huyện Điện Biên ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai nhiệm vụ.

Để phát triển hạ tầng số, UBND huyện Điện Biên đã ban hành Kế hoạch “Phát triển hạ tầng viễn thông cho chuyển đổi số trên địa bàn huyện Điện Biên, giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch “Phát triển bưu chính giai đoạn 2021 - 2025”. Huyện Điện Biên đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát thực tế hiện trạng, cơ sở hạ tầng, việc áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc trên môi trường mạng… Tăng cường hợp tác giữa các ngành, chính quyền các cấp với công ty viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số để huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển hạ tầng số của huyện.

Tranh thủ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay hệ thống kỹ thuật, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông trên địa bàn huyện đã có những bước tiến vượt bậc, cơ bản đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng tiến tới chuyển đổi số trên địa bàn huyện. Theo thống kê, các cơ quan chuyên môn và UBND các xã thuộc huyện có 628 máy tính. Trong đó, cấp huyện là 95 máy, cấp xã 533 máy; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%. Tổng số các thiết bị ngoại vi (máy in, photo, scan...) là 575. Hiện nay, huyện Điện Biên được trang bị 1 mạng truyền số liệu chuyên dùng cho hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của UBND huyện. 21/21 xã được trang bị đường truyền mạng số liệu chuyên dùng cấp II, sẵn sàng kết nối, triển khai thực hiện. Tỷ lệ máy tính có kết nối internet đạt 92% (8% máy tính còn lại là máy tính phục vụ việc soạn thảo các văn bản có chế độ mật); 100% cơ quan Nhà nước có mạng LAN, kết nối internet băng thông rộng, phục vụ tốt công tác khai thác, tham khảo tài liệu, cập nhật sự thay đổi của văn bản quản lý, chỉ đạo điều hành, đáp ứng yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực chuyên môn được chính xác, kịp thời.

Cùng với đó, hạ tầng viễn thông, internet trên địa bàn huyện đã và đang phát triển nhanh, bước đầu đáp ứng các yêu cầu về thông tin cho phát triển và nhu cầu xã hội. Toàn huyện hiện có 1 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính (cung ứng cả chiều đi và đến). 23 điểm phục vụ bưu chính; trong đó 18/21 điểm bưu điện văn hóa xã có kết nối internet, 18 điểm bưu điện văn hóa xã đã xây dựng kiên cố; 1 thùng thư công cộng. Có 3 nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông (Vinaphone, Viettel, Mobifone) với tổng số 163 trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS). 21/21 xã được phủ sóng di động 3G, 4G (đạt 100%). Có 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, với tổng số thuê bao ước đạt 13.567 thuê bao. 15/21 xã có đài truyền thanh cấp xã, trong đó 3 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng việc phát triển hạ tầng số trên địa bàn huyện Điện Biên vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Tỷ lệ bao phủ internet (cả mạng 3G, 4G, 5G và internet băng thông rộng mặt đất) chưa cao; hộ gia đình có kết nối internet băng rộng mặt đất còn hạn chế. Trang thiết bị máy tính đã đảm bảo số lượng, nhưng chất lượng, cấu hình chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chuyển đổi số, số hóa... Các thiết bị khác: Máy in, scan, photocopy số lượng ít, cũ, chưa đáp ứng được nhu cầu công việc.

Trước yêu cầu cấp thiết phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số nhanh và bền vững, huyện Điện Biên chỉ đạo các trung tâm, doanh nghiệp viễn thông có phương án tăng cường phủ sóng điện thoại, băng rộng di động đến các thôn bản chưa có sóng; cáp quang hóa đến các khu vực dân cư sinh sống, làm việc (thôn, bản). Đặc biệt, ưu tiên triển khai tại cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện; nâng cấp mạng di động 4G, triển khai hạ tầng mạng đi động 5G; phổ cập internet băng rộng, điện thoại thông minh tới người dân, nhất là các vùng công ích. Thiết lập môi trường làm việc số đồng bộ trong cơ quan hành chính của huyện đảm bảo thông suốt phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp...

Huyện Điện Biên đề ra mục tiêu, 100% cán bộ, công chức cấp huyện và xã được trang bị và sử dụng thành thạo máy tính; 100% cơ quan Đảng, chính quyền các cấp kết nối mạng số liệu chuyên dùng của tỉnh Điện Biên (WAN). Tăng cường ứng dụng chữ ký số của lãnh đạo trong ban hành văn bản điện tử, đảm bảo 100% văn bản của cơ quan, đơn vị ban hành dưới dạng điện tử có ký số, 100% văn bản điện tử có ký số của lãnh đạo. Tiếp tục duy trì triển khai hạ tầng kỹ thuật phục vụ hội nghị trực tuyến đồng bộ 3 cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với hệ thống hội nghị trực tuyến quốc gia.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top