Xã hộiChuyển đổi số

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

07:43 - Thứ Hai, 20/02/2023 Lượt xem: 3130 In bài viết

ĐBP - Hướng tới xây dựng nền hành chính điện tử, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Hệ thống cơ sở dữ liệu sau khi hoàn thiện được kết nối liên thông và chia sẻ với các đơn vị liên quan; nâng cao hiệu quả công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý công việc trên mạng nội bộ.

Những kết quả ban đầu

Sở TN&MT đã đánh giá thực trạng xây dựng, nâng cấp hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên nền tảng số; nâng cấp trang thông tin của Sở và xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về lĩnh vực môi trường. Cổng thông tin điện tử Sở được xây dựng năm 2014 và nâng cấp năm 2016. Đối với tư liệu xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về lĩnh vực môi trường, tỉnh đã có dữ liệu về chất lượng môi trường không khí; nước mặt; nước ngầm; chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô nhiễm đất; vị trí địa lý các phân vùng rủi ro sạt lở; nguồn thải; đa dạng sinh học.

Ông Vũ Ngọc Vương, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Trên cơ sở đánh giá thực trạng, ngành TN&MT tỉnh đã và đang thực hiện các dự án, chương trình số hóa, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan. Trong đó, nổi bật là vận hành mạng nội bộ hoạt động thông suốt, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khai thác của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, tin học hóa hoạt động quản lý, các phòng, đơn vị trang bị 100% máy vi tính cấu hình ổn định, kết nối mạng nội bộ (LAN) và mạng internet tốc độ cao phục vụ tốt cho nhu cầu làm việc, trao đổi, khai thác dữ liệu. Cổng thông tin điện tử Sở hoạt động ổn định, thường xuyên cập nhật tin tức, đăng tải bài viết tuyên truyền lĩnh vực tài nguyên và môi trường; thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế được cập nhật kịp thời và thường xuyên, đã triển khai đường link tới Cổng dịch vụ công của tỉnh. Ngành cũng triển khai cài đặt, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản TDOffice tới các phòng, đơn vị nhằm tiết kiệm tối đa về chi phí hành chính, đồng thời phục vụ thuận tiện cho công tác quản lý và điều hành.

Sở TN&MT thực hiện phát hành 99% văn bản đi bằng chứng thư số trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản TDOffice; cung cấp 100% TTHC mức độ 1, 2 trên Cổng thông tin điện tử của Sở. Đối với việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, đơn vị tiếp tục quản lý vận hành, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu địa chính 2 đơn vị cấp huyện gồm: TP. Điện Biên Phủ (8/8 xã, phường) và Tủa Chùa (12/12 xã, thị trấn); triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Hiện nay, Sở đang thực hiện dịch vụ công số 19: Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); kết nối, chia sẻ thành công cơ sở dữ liệu địa chính TP. Điện Biên Phủ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Còn nhiều khó khăn

Theo ông Ngô Xuân Trang, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN&MT) thì việc kê khai hồ sơ trực tuyến một số trường hợp còn khó khăn, vướng mắc do một số tổ chức, cá nhân đồng thời sử dụng nhiều loại giấy tờ; trong khi dữ liệu cá nhân của công dân không thống nhất, có sự sai khác giữa các loại giấy tờ và dữ liệu hồ sơ về đất đai đã có trước đây. Các tổ chức, cá nhân chưa tích cực, chủ động, còn “ngại” sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết TTHC. Quá trình tạo tài khoản, đăng ký hồ sơ trên Cổng dịch vụ công còn mới, nhiều bước thực hiện nên phần lớn tổ chức, cá nhân vẫn đến cơ quan chức năng thực hiện TTHC trực tiếp. Đối với dịch vụ công thiết yếu số 19, kết quả giải quyết TTHC yêu cầu phải cập nhật hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu về đất đai. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh mới triển khai trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Tủa Chùa; còn lại 8 huyện, thị xã chưa xây dựng, cập nhật hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai. Do đó, kết quả giải quyết TTHC chưa thực hiện cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu đất đai theo quy trình giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia và theo yêu cầu của Bộ TN&MT.

Xác định còn nhiều khó khăn trong công tác chuyển đổi số của ngành, trước mắt Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh xem xét, sớm cân đối và bố trí kinh phí để đơn vị triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số với tổng kinh phí hơn 221,8 tỷ đồng. Trong đó, trên 219,4 tỷ đồng thực hiện đo đạc địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại các huyện: Nậm Pồ (15 xã), Điện Biên (21 xã), Mường Chà (11 xã), Tuần Giáo (18 xã), Điện Biên Đông (5 xã). Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại các huyện: Mường Chà, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên, TX. Mường Lay và 4 xã của TP. Điện Biên Phủ (Mường Phăng, Nà Tấu, Pá Khoang, Nà Nhạn), một phần diện tích được sáp nhập mới tại 2 phường: Nam Thanh và Thanh Trường. Nâng cấp trang thông tin điện tử, đảm bảo hoạt động ổn định, cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin theo quy định với kinh phí hơn 460 triệu đồng; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về lĩnh vực môi trường (quan trắc tài nguyên và môi trường, đa dạng sinh học, nguồn thải) với kinh phí 19,1 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top