ĐBP - Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là điều kiện, xu thế tất yếu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và hội nhập quốc tế. Thực hiện Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Trong đó chú trọng giải pháp về quy định, chính sách thực hiện. Đến nay đã đạt được những kết quả tích cực.
Kịp thời ban hành chính sách, quy định
UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch số 1332/KH-BCĐ ngày 6/5/2022 về Chương trình hoạt động của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, trong đó đề ra các mục tiêu quan trọng về phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, nhiệm vụ trọng tâm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và các thành viên Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh.
Trên cơ sở rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số của tỉnh: Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 03/06/2022 phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định số 2001/QĐ-UBND ngày 31/10/2022 về việc phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên”; Kế hoạch số 718/KH-UBND ngày 15/3/2022 Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025...
Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0 là cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư, triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số kịp thời, chính xác. Đảm bảo tính kết nối liên thông, tránh trùng lặp, lãng phí và tổ chức triển khai, duy trì và cập nhật theo quy định của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, trong năm 2022 Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện kiểm tra 18 văn bản về các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Bưu chính - Viễn thông... liên quan đến công tác chuyển đổi số.
Những kết quả bước đầu
Thực hiện tốt công tác rà soát, sửa đổi, hoàn thiện về cơ chế chính sách nên kết quả thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được nâng cấp; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) điện tử đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện 49%, cấp xã 38%; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 53%, trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 82%...
Hiện nay hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh đã được kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và 100% cơ quan, đơn vị các cấp (tỉnh, huyện, xã) trong tỉnh. Đến nay, tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 97%; 100% các sở, ngành và tương đương có tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng đạt từ 80% trở lên; 100% các phòng thuộc UBND cấp huyện có tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng đạt từ 50% trở lên. 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ (trên 3.900 tài khoản). Hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng (trong năm 2022 đã thực hiện trên 90 hội nghị truyền hình trực tuyến, trong đó có 21 phiên họp 4 cấp, 5 phiên quốc tế). Toàn tỉnh đã thành lập trên 1.000 Tổ Công nghệ số cộng đồng đến cấp xã và thôn, bản với trên 5.500 người tham gia là lãnh đạo UBND cấp xã, đại diện hội phụ nữ, thanh niên, công an, giáo viên; đại diện các thôn, bản. Thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel đào tạo, tập huấn cho 4.120 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Voso và Postmart; hướng dẫn các hộ sản xuất cách đăng ký, tạo sản phẩm đăng ký bán trên sàn thương mại điện tử, phát triển kinh doanh thương mại điện tử nói chung và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cung cấp tại địa phương nói riêng. Đến nay đã đưa được 493 sản phẩm lên sàn, trong đó có 44 sản phẩm OCOP.