ĐBP - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế - xã hội, cơ cấu chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế... song huyện Tủa Chùa đang nỗ lực từng bước đưa chuyển đổi số vào trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Xác định chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực, UBND huyện Tủa Chùa kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng, phát triển chính quyền số và chuyển đổi số đảm bảo tính khả thi, sát với đặc điểm, tình hình và nhu cầu phát triển của huyện. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số huyện, tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng (đến nay 12/12 xã, thị trấn đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 72/120 tổ dân phố, bản).
Đặc biệt, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số một cách tích cực, hiệu quả; đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Đồng thời, lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này làm tiêu chí đánh giá trách nhiệm và bình xét thi đua khen thưởng đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Sau nhiều nỗ lực, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã có những chuyển biến nhất định. Cụ thể, về hạ tầng số đến nay có 98% cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã được trang bị và sử dụng thành thạo máy tính. Duy trì, triển khai xây dựng thêm về hạ tầng kỹ thuật, tiến tới tối ưu hóa sóng thông tin di động 2G và xóa “vùng trắng”, vũng lõm sóng; tỷ lệ khu vực dân cư sinh sống, làm việc (thôn, bản, tổ dân phố) được phủ sóng thông tin di động mạng 3G, 4G, 5G đạt 97%; tỷ lệ hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến khu dân cư sinh sống, làm việc (thôn, bản, tổ dân phố) đạt 52%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh đạt 39%; tỷ lệ hộ gia đình kết nối internet băng rộng đạt 24,3%.
Trong nhiệm vụ phát triển chính quyền số, huyện Tủa Chùa đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính Nhà nước cấp huyện, cấp xã, thị trấn được ký số thay thế văn bản giấy. Việc đẩy mạnh ứng dụng hệ thống điện tử lãnh đạo, quản lý, điều hành, giám sát công việc; ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử, hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống hội nghị trực tuyến... được áp dụng. Đảm bảo cung cấp 100% các dịch vụ hành chính công của huyện theo hình thức trực tuyến mức độ 2 và trên 50% mức độ 3, 4; trong đó 100% hồ sơ, thủ tục hành chính mức độ 3, 4 giải quyết theo hình thức trực tuyến và giải quyết sớm hạn.
Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, đến nay tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đều sử dụng nền tảng số; 95% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử và 100% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Tỷ lệ người dân có danh tính số hoặc tài khoản định danh điện tử đạt 14%; người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 64%; dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt 55%; tỷ lệ cơ sở y tế, giáo dục và đào tạo công lập thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt 100%; tỷ lệ người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 53,6%. Đặc biệt, nhận thức số người dân nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội.
Tuy vậy, do đây là lĩnh vực còn mới nên vẫn còn người dân, doanh nghiệp chưa hiểu hết về tầm quan trọng cũng như lợi ích của chuyển đổi số. Theo ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa thì để đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số, thời gian tới huyện Tủa Chùa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo đối với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số một cách tích cực, hiệu quả. Đặc biệt, huyện Tủa Chùa kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư điện lưới quốc gia cho các bản chưa có điện để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư trạm thu phát sóng thông tin di động trên địa bàn. Hiện nay, toàn huyện còn 17/120 thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 36/120 thôn, bản chưa được phủ sóng di động và mạng internet.