Xã hộiChuyển đổi số

Chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện

09:01 - Thứ Sáu, 21/04/2023 Lượt xem: 3174 In bài viết

ĐBP - Xác định công nghệ và chuyển đổi số có ý nghĩa, vai trò quyết định trong hiệu quả hoạt động và sự phát triển của ngành thư viện hiện tại và trong thời gian tới, Thư viện tỉnh tập trung chú trọng các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chuyên môn… tạo đột phá trong chuyển đổi số.

Cán bộ Thư viện tỉnh triển khai nhiệm vụ liên kết cơ sở dữ liệu, tài liệu số trực tuyến.

Trước tiên, Thư viện tỉnh triển khai rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động chuyển đổi số tại đơn vị; có giải pháp cụ thể để nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện các trang thiết bị công nghệ, tiện ích thư viện số, thư viện thông minh đối với các đơn vị đã được đầu tư bước đầu. Đồng thời, nghiên cứu, lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp đối với các đơn vị cần phải đầu tư, mua sắm mới các trang thiết bị, phần mềm, tiện ích thư viện số, thư viện thông minh.

Vấn đề nhân lực chuyển đổi số cũng được đặc biệt quan tâm. Thư viện tỉnh đã bố trí viên chức tham gia các chương trình tập huấn về chuyển đổi số, số hóa tài liệu do Thư viện Quốc gia tổ chức. Ngoài ra, tổ chức lớp tập huấn nội bộ tại đơn vị nhằm trao đổi kiến thức mới cập nhật đối với toàn thể viên chức trong đơn vị về công tác xử lý số hóa tài liệu, thực hành trực tiếp trên một số phần mềm offline, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm thư viện số, các trang thiết bị sẽ đưa nguồn tài liệu số phục vụ bạn đọc theo hình thức trực tuyến…

Song song với các hoạt động đó, Thư viện tỉnh tập trung triển khai xây dựng các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở. Trong đó, ưu tiên số hóa tài liệu địa chí, tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, khoa học, văn hóa có trong hệ thống thư viện công cộng. Ông Nguyễn Hồng Giang, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Thư viện tỉnh cho biết: “Trong năm 2022, đơn vị đã thực hiện số hóa 781 tên tài liệu địa chí với trên 250.000 trang tài liệu. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu sách nói với 395 folder (5.506 files audio book); liên kết tới một số cơ sở dữ liệu tài liệu số trực tuyến. Đơn vị cũng đã tích hợp Mục lục tra cứu trực tuyến gồm: Dữ liệu thư mục của các kho tài liệu in lên Trang thông tin điện tử; đổi mới nội dung, hình thức chuyên mục giới thiệu sách bằng video clip, Chuyên mục Điểm báo… Ngoài ra, các đơn vị trong hệ thống thư viện đã chủ động xây dựng nguồn tài nguyên thông tin số theo điều kiện cụ thể của từng đơn vị, nghiên cứu các giải pháp tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, tài nguyên thông tin, chia sẻ tài nguyên thông tin số giữa các thư viện trong nội bộ ngành. Thư viện tỉnh đã cung cấp một số nguồn tài nguyên thông tin, tài nguyên thông tin số hóa có trong thư viện (giới thiệu tài nguyên thông tin mới, tra cứu tài nguyên thông tin, mượn/trả, gia hạn tài nguyên thông tin, sao, chụp từ xa, chuyển dạng…) hỗ trợ học tập, nghiên cứu giải trí cho người dân…”.

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện vẫn gặp những khó khăn nhất định. “Đến thời điểm này, hệ thống cơ sở vật chất, máy tính và các trang thiết bị khác để tạo lập nguồn tài nguyên thông tin số còn thiếu và chưa đảm bảo. Hiện tại, chỉ có Thư viện tỉnh được trang bị máy Scanner để xử lý tài liệu đầu vào, các thư viện huyện, thị xã, thành phố chưa được trang bị các thiết bị này. Đối với Cơ sở dữ liệu số hóa toàn văn số lượng còn hạn chế, do vấn đề kỹ thuật xử lý tài liệu đầu vào, vấn đề bản quyền tác giả... Không chỉ vậy, kinh phí dành cho việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm thư viện số còn hạn chế. Do đó, đến thời hiện tại, toàn bộ hệ thống thư viện trong tỉnh chưa được đầu tư phần mềm Thư viện số cũng như các tiện ích của thư viện hiện đại…” - Ông Nguyễn Hồng Giang cho biết thêm.

Để có thể tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện, ông Nguyễn Hồng Giang cho rằng, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp như: Nâng cao nhận thức, tăng cường công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đẩy mạnh hoàn thiện năng lực số, phát triển tài nguyên thông tin số; nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin đối với viên chức thư viện; đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, sản phẩm và dịch vụ thư viện… Ngoài ra, cần tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, ngành, nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, chuyển giao khoa học và công nghệ. Thường xuyên chia sẻ, tham khảo học tập kinh nghiệm của hệ thống thư viện công cộng toàn quốc trong quá trình thực hiện chương trình chuyển đổi số…

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top