Xã hộiChuyển đổi số

Từng bước xây dựng chính quyền điện tử

14:28 - Thứ Năm, 18/05/2023 Lượt xem: 3028 In bài viết

ĐBP - Đối với tỉnh Điện Biên, việc định hướng, thiết lập và đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, ngay sau khi Chính phủ ban hành các nghị quyết, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính quyền điện tử, tỉnh Điện Biên đã ban hành các chương trình, kế hoạch, kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, kiến trúc đô thị thông minh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực.

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cán bộ Điện lực TP. Điện Biên Phủ họp trực tuyến với Công ty Điện lực Điện Biên.

Tỉnh Điện Biên đã sớm triển khai có hiệu quả phần mềm quản lý điều hành trong các cơ quan Nhà nước, xây dựng mô hình “một cửa liên thông” từ tỉnh tới xã, tiến hành xây dựng đô thị thông minh với nhiều tiện ích không chỉ phục vụ công tác quản lý, điều hành mà còn thiết thực phục vụ cuộc sống của người dân. Cuối năm 2018, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0 (giai đoạn 2018 - 2022). Trong đó, tập trung xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu người dùng, cơ sở dữ liệu về giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia.

Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới xây dựng Chính quyền số. Nhiều sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng vào thực tế đem lại hiệu quả cao.

Đến nay, tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng chính quyền điện tử trong cơ quan Nhà nước. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh đã được kết nối liên thông vào trục liên thông văn bản quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và 100% cơ quan, đơn vị các cấp (tỉnh, huyện, xã). Đến quý I/2023, tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 98%. Tổng số cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ đạt 100% và có trên 90% cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong xử lý công việc. Các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện triển khai áp dụng hệ thống chỉ đạo và điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, hạn chế và khắc phục tình trạng chậm trễ, bỏ sót công việc. Hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng (năm 2022 đã thực hiện hơn 90 cuộc hội nghị truyền hình trực tuyến, trong đó có 21 phiên họp 4 cấp, 5 phiên quốc tế). Ngoài ra, hình thức họp trực tuyến đến từng thiết bị cá nhân cũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai. Hệ thống thông tin báo cáo, giải pháp họp không giấy của tỉnh được xây dựng đáp ứng đầy đủ các chức năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định; 100% chế độ báo cáo, nội dung thông tin, dữ liệu của tỉnh được kết nối, cung cấp đầy đủ, kịp thời với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, tỉnh ta chú trọng nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh trên cơ sở hợp nhất giữa Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử, có đầy đủ tính năng theo quy định và được Bộ Công an đánh giá xác nhận bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thông tin hệ thống. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi giải quyết công việc, tăng tính công khai, minh bạch. Đến quý I/2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 60%, vượt chỉ tiêu đề ra (50%) trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 82%. Tỷ lệ thủ tục hành chính được triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và hệ thống của tỉnh đạt 100%.

Chính quyền điện tử bước đầu làm thay đổi cách làm việc của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ phương thức thủ công sang môi trường điện tử, môi trường số. Nhờ đó các nhiệm vụ được giải quyết nhanh, chính xác, đồng bộ hơn. Hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân theo dõi, giám sát. Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức có cơ hội thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan Nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. Chi phí về thời gian, công sức đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, người dân được tiết kiệm. Ngoài những lợi ích thể hiện bằng con số thì sự đổi thay đáng kể chính là nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người dân. Thể hiện ở việc, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, khoảng cách giữa chính quyền với người dân ngày càng được rút ngắn.

Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của tỉnh còn ở mức độ ứng dụng thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin, an ninh mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số. Lưa chọn và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền. Các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đảm bảo đạt chỉ tiêu tỷ lệ 100% dịch vụ công trực tuyến có hồ sơ đều phát sinh hồ sơ trực tuyến. Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thực hiện thủ tục hành chính, chỉ đạo điều hành và xử lý công việc trên môi trường mạng. Tăng cường sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính phủ trong việc ký số, xác thực dữ liệu số hóa; xác thực đăng nhập trong các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Đồng thời, chủ động phát triển hạ tầng số, nền tảng số phục vụ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân. Tiếp tục củng cố, mở rộng hạ tầng internet cáp quang băng rộng sẵn sàng đáp ứng cho 100% hộ gia đình; mở rộng mạng 4G, 5G và các thế hệ tiếp theo bảo đảm chất lượng dịch vụ; hoàn thiện địa chỉ số đến từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình làm nền tảng cho phát triển thương mại điện tử.

Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top