Xã hộiChuyển đổi số

Ðẩy mạnh số hóa lĩnh vực hộ tịch

08:53 - Thứ Hai, 13/11/2023 Lượt xem: 4129 In bài viết

ĐBP - Công tác số hóa sổ hộ tịch đảm bảo cho dữ liệu được chuyển chính thức vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ðề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, sau hơn 1 năm triển khai, công tác số hóa hộ tịch đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Công chức xã Noong U, huyện Ðiện Biên Ðông giải thích cho người dân nội dung các văn bản quy định về số hóa trong lĩnh vực hộ tịch. Ảnh: Tú Anh

Hiện nay, người dân có thể yêu cầu giải quyết thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến, trong đó có một số thủ tục được thực hiện trực tuyến mức độ 4. Việc sử dụng bản điện tử thông tin hộ tịch là xu hướng tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số. Hộ tịch điện tử tạo thuận lợi cho người dân giải quyết thủ tục hành chính liên quan, thay vì đến cơ quan đăng ký hộ tịch, người dân có thể tự làm trực tuyến tại bất cứ nơi đâu, chỉ cần có thiết bị thông minh kết nối internet.

Chị Nguyễn Thị An, tổ dân phố 3, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Vừa qua, tôi làm giấy đăng ký khai sinh cho con. Thay vì phải đến trụ sở UBND phường như trước đây, tôi thực hiện việc khai sinh cho cháu tại nhà theo phương thức trực tuyến. Ðến thời gian hẹn, thủ tục hành chính của tôi được giải quyết. Hình thức đăng ký khai sinh trực tuyến thuận tiện, nhanh chóng, giúp tôi tiết kiệm thời gian. Ðồng thời, quá trình đăng ký có sai sót, muốn chỉnh sửa thông tin, tôi cũng thực hiện thao tác trên máy tính, không phải đi lại nhiều lần như trước.

Công tác số hóa sổ hộ tịch được Tỉnh ủy, HÐND và UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, các sở ngành, địa phương triển khai đồng bộ. Với khối lượng công việc nhiều trong khi nguồn nhân lực hạn chế, các địa phương, nhất là Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn đã có nhiều giải pháp, sáng kiến hay để thực hiện công tác số hóa dữ liệu hộ tịch, bảo đảm theo quy định. Theo báo cáo của Sở Tư pháp, tính đến ngày 13/10/2023, toàn tỉnh đã Scan được 510.524/612.587 hồ sơ vào phần mềm chuẩn hóa tạo lập Cơ sở dữ liệu hộ tịch (đạt 83,3%); đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc 425.946 hồ sơ (đạt 69,53%).

Ông Phạm Ðình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Việc số hóa dữ liệu hộ tịch nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch; chuyển đổi dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy sang dữ liệu số theo hướng hình thành hệ thống thông tin hộ tịch với cấu trúc chuẩn tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, việc số hóa dữ liệu hộ tịch cũng góp phần rất lớn trong việc thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch ở địa phương; bảo đảm việc kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.

Thực hiện số hóa hộ tịch, Sở Tư pháp tăng cường hướng dẫn cơ quan tư pháp các cấp thực hiện quy trình rà soát, đối sánh thông tin giữa Sổ hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp với cơ quan công an tiếp tục làm sạch dữ liệu, rà soát lập danh sách các trường hợp có sai lệch thông tin để thực hiện làm sạch dữ liệu. Ðến ngày 15/6/2023 có 82.548 trường hợp sai lệch thông tin trong tổng số 576.868 trường hợp phải số hóa. Qua đó, kịp thời ban hành văn bản đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo, chấn chỉnh một số sai sót trong việc làm sạch dữ liệu hộ tịch tại các địa phương. Sở Tư pháp cũng hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực hộ tịch. Phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính gồm “Ðăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Ðăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”. Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức mô hình điểm về số hóa sổ hộ tịch. Ðến nay, các mô hình điểm đều hoạt động hiệu quả. Ðơn cử như mô hình “Ðăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn trực tuyến” tại UBND TP. Ðiện Biên Phủ hiện nay đã đảm bảo 100% các thủ tục phát sinh được thực hiện trực tuyến.

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai số hóa sổ hộ tịch cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh yêu cầu kết nối, chuẩn hóa, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp trước ngày 30/8/2023. Tuy nhiên đến nay, một số huyện có tỷ lệ đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch thấp, như: Mường Nhé (42,96%), Ðiện Biên Ðông 61,67%... Ðể tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong việc số hóa sổ hộ tịch, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, cử cán bộ hướng dẫn các địa phương trong triển khai nhiệm vụ. Cuối tháng 10 vừa qua, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn, đào tạo về số hóa sổ hộ tịch đối với 10 huyện, thị xã, thành phố. Cán bộ trực tiếp triển khai số hóa hộ tịch của các địa phương được thực hành quy trình số hóa sổ hộ tịch, đảm bảo dữ liệu được chuyển chính thức vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, trong đó bao gồm việc nhập dữ liệu theo quyển bằng cách thuận tiện nhất. Sở Tư pháp hướng dẫn chức năng trên phần mềm chuẩn hóa, tạo lập khai thác dữ liệu tỉnh Ðiện Biên; cách sử dụng tài khoản phục vụ số hóa, xử lý các lỗi kỹ thuật trong quá trình thực hiện số hóa sổ hộ tịch. Ðồng thời, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng các phương thức xác thực thông tin về hộ khẩu của công dân để thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch theo quy định; vướng mắc trong thực hiện 2 thủ tục liên thông “Ðăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi”, “Ðăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí” và một số nội dung liên quan đến thực hiện quy trình chứng thực bản sao điện tử.

Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top