Xã hộiChuyển đổi số

Chuyển đổi số báo chí để đáp ứng nhu cầu cao của độc giả

10:49 - Thứ Hai, 25/12/2023 Lượt xem: 2147 In bài viết

Chuyển đổi số trong báo chí là quá trình dài, đòi hỏi sự nhạy bén, cần nhiều nguồn lực đầu tư và không có một khuôn mẫu nào cho tất cả các cơ quan báo chí. Vì vậy, để chuyển đổi số hiệu quả, các cơ quan báo chí cần có những giải pháp linh hoạt, ứng dụng đồng bộ theo từng nhiệm vụ chính trị, từ đó giúp cho thông tin đến với độc giả một cách nhanh nhất, chính xác nhất.

Bà Hoàng Thị Bích Phú, Phó Tổng biên tập Báo Đồng Nai cho biết, cùng với các cơ quan báo chí khác, Báo Đồng Nai đang nỗ lực đổi mới, ứng dụng các nền tảng công nghệ số để tiệm cận với các mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong làm báo còn là một chặng đường rất dài khi các nền tảng chuyển đổi số chỉ mới được định hình, thử nghiệm.

Quang cảnh buổi tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí – Cơ hội và thách thức”.

Thực tế, để chuyển đổi số hiệu quả, Báo Đồng Nai điện tử đã được phát triển theo hướng báo chí đa phương tiện để truyền tải thông tin chân thực và sinh động, nhanh nhất đến độc giả. Những thông tin của báo được truyền tải theo các hình thức mới như Longform và hiện cũng đã nhận được phản hồi tích cực từ bạn đọc. Ngoài ra, Báo Đồng Nai điện tử cũng đã được tích hợp video, clip các tin, phóng sự, lập Fanpage đê tiếp cận gần hơn với độc giả.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Bích Phú, công tác chuyển đổi số của báo vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Việc nắm bắt nhu cầu, tương tác với bạn đọc chưa đạt như kỳ vọng; phát triển các kênh thu hút quảng cáo, hỗ trợ phát hành thông qua các ứng dụng công nghệ còn hạn chế… Chưa kể, đội ngũ của toà soạn vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cách thức làm báo hiện đại, cả về hệ thống công nghệ lẫn các kỹ năng mới, các hệ thống quản trị nội dung (CMS) chỉ ở định dạng cơ bản, không hỗ trợ các định dạng nội dung mới, linh hoạt.

Vì vậy, đơn vị mong muốn các cơ quan báo chí trung ương có thể hợp tác, hỡ trợ báo đầu tư, cải tiến giao diện, nội dung thông tin làm sao cho báo có thể xây dựng được mô hình thông tintòa soạn hội tụ. Theo đó, tọa đàm“Chuyển đổi số báo chí - Cơ hội và thách thức” với Chi hội Nhà báo TTXVN khu vực phía Nam là cơ hội để hai bên cùng học hỏi vàtrao đổi nghiệp vụ, tiếp cận các công nghệ làm báo mới...

Dưới góc độ phóng viên, anh Đặng Công Nghĩa, phóng viên Báo Đồng Nai cho biết, trong công tác chuyển đổi số báo chí thì nhân tố con người là quan trọng nhất. Vì vậy, đây cũng là áp lực để phóng viên hoàn thiện bản thân, thay đổi tư duy và thích ứng với tình hình mới, từ đó có thể ứng dụng được các công nghệ cho công việc của mình. Mặt khác, chính phóng viên cũng phải tự trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hình ảnh, tin bài cho mình…

Là đơn vị đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất thông tin, ông Phan Văn Đông, Phó Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam cho biết, chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí là một quá trình dài và có nhiều khâu, từ quản lý, thu thập thông tin va xử lý thông tin… Trong các khâu đó, người thực hiện cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng các thông tin bên cạnh hỗ trợ cơ sở vật chất từ cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Trước mắt, muốn chuyển đổi số thành công trong các cơ quan báo chí, vẫn phải có linh hoạt trong công tác phối hợp, triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, cụ thể từ người từ quản lý đến người thực hiện. Có như vậy, lãnh đạo cơ quan báo chí mới có thể thấu hiểu và tạo mọi điều kiện cho các phóng viên, biên tập viên được học hỏi các công nghệ mới để ứng dụng khi tác nghiệp...

Chia sẻ về việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ như: AI, IoT,Big data... trong các sản phẩm báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động, ông Đoàn Minh Thuyết, Trưởng đại diện báo Tin tức tại TP Hồ Chí Minh cho biết, việc ứng dụng công nghệ số trong các cơ quan báo chí đều hướng đến mục tiêu cung cấp những thông tin nhanh, chính xác nhất đến với độc giả. Từ thực tế, nhờ ứng dụng công nghệ số mà một bản tin trên các trang báo trước kia phải mất thời gian hàng giờ để xử lý thì ngày nay chỉ còn vài phút là đến được với độc giả. Điều này cho thấy, công nghệ số đang giúp ích khá tốt cho các cơ quan báo chí, phóng viên trong việc xử lý thông tin, tác nghiệp...

"Ngoài ra, khi ứng dụng công nghệ AI, cơ quan báo chí, phóng viên cũng cần phải xác định công nghệ chỉ hỗ trợ cho phóng viên nhanh hơn chứ không thể thay thế hoàn toàn công việc của một phóng viên, biên tập viên. Do đó, chính phóng viên, biên tập viên vẫn phải luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình để có thể chuyển tải tình cảm của phóng viên đến với độc giả tốt hơn", ông Đoàn Minh Thuyết cho biết thêm.

Dưới góc độ Hội Nhà báo, ông Hồ Văn Chừng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai cho biết, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là một nhu cầu mà còn là một đòi hỏi tất yếu đối với ngành báo chí. Thực tế, các cơ quan báo chí tại Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung cũng đang thay đổi tư duy, đầu tư nguồn lực, con người và công nghệ để thực hiện quá trình chuyển đổi số một cách linh hoạt và thực tế.

"Đối với tỉnh Đồng Nai, công tác chuyển đổi số được lãnh đạo tỉnh quan tâm và có những đầu tư cho các cơ quan truyền hình, báo Đồng Nai. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số báo chí, các cơ quan báo chí của tỉnh cũng còn gặp một số thách thức lớn. Đầu tiên là thách thức về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động báo chí. Hiện nay, đa số hệ thống thông tin của cơ quan báo chí chưa có cấp độ an toàn thông tin được xác định, tình trạng này khiến các cơ quan báo chí trở nên phụ thuộc và có thể bị chi phối về nội dung và lợi ích bởi các công ty công nghệ. Ngoài ra, cơ quan báo chí đang hoạt động đa nền tảng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thông tin trên mạng xã hội, thậm chí một số cơ quan báo chí còn bị dẫn dắt bởi tin tức thiếu kiểm chứng, thông tin giả mạo... Chưa kể, mạng xã hội phát triển cũng làm cho hệ thống báo in giảm sút", ông Hồ Văn Chừng cho biết thêm.

Vì vậy, theo ông Hồ Văn Chừng, để có thể chuyển đổi số hiệu quả, các cơ quan báo chí cần quan tâm đến việc nâng cao nghiệp vụ cho các lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên... tích cực tập huấn, đào tạo công nghệ mới cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông và lãnh đạo các cơ quan báo chí về các kỹ năng cơ bản, cần thiết trong quá trình chuyển đổi số báo chí; phát triển các khóa đào tạo và nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an ninh mạng, thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu, nhằm hỗ trợ quá trình đổi mới sản xuất, phân phối nội dung cũng như giám sát và đánh giá chất lượng thông tin trên các trang báo...

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm từ cơ quan báo chí trung ương như TTXVN nhằm nắm bắt, cập nhậtđược những xu hướng và thành tựu mới trong chuyển đổi số báo chí hiện nay.               

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top