Xã hộiChuyển đổi số

Nhiều sản phẩm ngân hàng số mới: Tạo thói quen không dùng tiền mặt

16:16 - Thứ Năm, 16/05/2024 Lượt xem: 1572 In bài viết

Những năm gần đây, ngân hàng được đánh giá là ngành đi đầu trong chuyển đổi số, cũng như áp dụng công nghệ số vào các sản phẩm dịch vụ.

Những sản phẩm ngân hàng số liên tục được làm mới không chỉ làm phong phú thêm dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngân hàng, mà còn góp phần tạo thói quen không dùng tiền mặt trong cuộc sống.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng tự động LiveBank của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong. Ảnh: Nguyễn Quang

Thêm nhiều hệ sinh thái mới

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Long cho biết, BIDV hợp tác với Công ty TNHH IBM Việt Nam ra mắt hệ thống BIDV Open API với bốn cấu phần chính: BIDV Open API Portal - Website trên internet cho các nhà lập trình, quản trị API, cổng kết nối API và cấu phần phân tích API. Thông qua BIDV Open API, kênh phân phối dịch vụ ngân hàng đã được mở rộng, hệ sinh thái tài chính được hình thành qua liên kết giữa ngân hàng và các đối tác, mang đến nhiều tiện ích mới cho khách hàng, như ứng dụng quản lý bán hàng cho tiểu thương, ứng dụng quản lý khách sạn, quản lý trường học, quản lý trong ngành logistics, bất động sản…

Đặc biệt, chức năng thu hộ và gạch nợ hóa đơn tự động giúp đơn giản hóa việc quản lý doanh thu, gia tăng tiện ích cho cả người mua và người bán. Thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục mở rộng các gói API mới cho các dịch vụ tài trợ thương mại, bảo lãnh, tài trợ chuỗi cung ứng thông qua liên kết giữa các doanh nghiệp trung tâm và các nhà phân phối, nhà cung cấp. BIDV ước tính, đến năm 2025, hơn 500.000 khách hàng doanh nghiệp, 1 triệu khách hàng tiểu thương và hàng triệu khách hàng cá nhân sẽ được cung cấp các tiện ích từ BIDV Open API.

Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa ra mắt 6 giải pháp ngân hàng số. Đó là, giao dịch rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip, rút tiền bằng QR code trên máy ATM không cần thẻ, dịch vụ ngân hàng số đa kênh dành cho khách hàng doanh nghiệp Agribank Corporate Ebanking, trục thanh toán Agribank Payment Hub tiên tiến, dịch vụ Open API và hệ thống thu thập, quản lý xác thực và làm sạch dữ liệu khách hàng tại quầy giảm thiểu rủi ro, bảo đảm tính chính xác của các giao dịch.

Với Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Kiosk MediPay là giải pháp y tế thông minh được HDBank hợp tác triển khai cùng Trung tâm Thông tin y tế quốc gia - Bộ Y tế (NHIC). Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số HDBank Nguyễn Đức Dũng cho rằng, Kiosk MediPay mang đến tiện ích "ba trong một". Bệnh nhân được đăng ký khám chữa bệnh nhanh chóng; giúp chuẩn hóa dữ liệu bệnh nhân thông qua việc định danh và xác thực điện tử căn cước công dân với dữ liệu của Bộ Công an; thanh toán viện phí 100% không tiền mặt. Dự kiến tháng 7-2024, HDBank sẽ triển khai công nghệ thu thập thông tin sinh trắc học của khách hàng, xác thực bằng sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng trực tuyến, ngân hàng số với các giao dịch trực tuyến.

Kết nối, tích hợp giải pháp công nghệ

Thực tế, hầu hết các ngân hàng đã bước vào cuộc đua ngân hàng số, nhằm tạo thuận lợi nhất cho khách hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời, tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn (như gửi tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền...). Nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023; trong đó thanh toán qua kênh internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động và QR code bình quân đạt trên 100%/năm. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Fidelity (đơn vị cung cấp các giải pháp thanh toán) đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia đã và đang triển khai rất hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả được ghi nhận rất khả quan với sự phát triển mạnh mẽ của hình thức thanh toán qua ví điện tử. Xu hướng sử dụng thẻ thanh toán cũng sẽ giảm trong tương lai, và dự kiến ví điện tử sẽ là phương thức thanh toán phát triển nhanh nhất. Theo dự báo của Mordor Intelligence Inc (tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới) thị trường ví điện tử ở Việt Nam sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2027.

Nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính then chốt của khoa học, công nghệ đối với quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Phạm Tiến Dũng khẳng định, chuyển đổi số đối với các hoạt động ngân hàng gắn liền với sự kết nối và tích hợp giải pháp công nghệ trong nhiều lĩnh vực, trở thành cầu nối trao đổi thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện tốt các hoạt động thanh toán tiêu dùng hay sản xuất, kinh doanh. Hệ sinh thái số, sản phẩm ngân hàng số không chỉ làm phong phú thêm dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngân hàng, mà còn góp phần tạo thói quen không dùng tiền mặt trong cuộc sống.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top