Bài 4: Dấu ấn tuổi trẻ chuyển đổi số
ĐBP - Trong thời đại công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số trở thành yêu cầu tất yếu, tạo động lực cho sự phát triển. Với sức trẻ và sự năng động, sáng tạo, tuổi trẻ Điện Biên đã và đang phát huy vai trò xung kích làm chủ công nghệ, kỹ thuật thông qua các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số. Không chỉ áp dụng số hóa vào công tác đoàn, đoàn viên, thanh niên đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Bài 3: Chuyển đổi số hướng về cộng đồng
Góp sức trẻ phát triển kinh tế số
Chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Xác định được tầm quan trọng đó, thời gian qua, đoàn viên Cục Thuế tỉnh nhiệt tình hỗ trợ người dân, các tổ chức về dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính và hóa đơn điện tử.
Anh Cao Xuân Khánh, Bí thư Đoàn cơ sở Cục Thuế tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Để tuyên truyền, hướng dẫn các hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tham gia chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện công tác quản lý thuế, đoàn viên thanh niên Cục Thuế tỉnh đã xuống từng khu chợ, gặp gỡ, tư vấn và hướng dẫn tiểu thương, người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile và các ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế. Bằng các hoạt động thiết thực theo phương châm “Tuổi trẻ ngành Thuế tiên phong trong chuyển đổi số”, đoàn viên, thanh niên ngành Thuế đã mang lại sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số của đơn vị”.
Với sức trẻ, sự năng động, sáng tạo, các đoàn viên, thanh niên Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chi nhánh Ðiện Biên (Viettel Ðiện Biên) đã hỗ trợ miễn phí cài đặt, cấp mã QR và tạo tài khoản Viettel Money cho tiểu thương tại các “chợ 4.0”; giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt. Dù mới thực hiện, song sự góp sức của tuổi trẻ Viettel Điện Biên đã mang lại những tín hiệu khả quan; góp phần thúc đẩy việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, từng bước xây dựng xã hội số, kinh tế số, đáp ứng mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, Viettel Ðiện Biên đã triển khai nhiều “chợ 4.0” như chợ: Mường Thanh, Mường Chà, Mường Lay, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Ảng...
Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, đoàn viên, thanh niên tích cực tư vấn và hướng dẫn người dân sử dụng các hình thức thanh toán Mobile money. Hết tháng 11/2023, Huyện đoàn Điện Biên đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện mở tài khoản và đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến (Ebanking) cho gần 12.000 khách hàng. Các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện Điện Biên đã tổ chức 128 hoạt động chuyển đổi số với khoảng 60.000 người được tiếp cận các hoạt động chuyển đổi số. Triển khai hơn 600 chữ ký số cá nhân, cài ứng dụng “Điện Biên Smart” cho gần 350 người… Qua đó, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân; khẳng định vai trò xung kích của tuổi trẻ tham gia quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Số hóa quảng bá văn hóa, du lịch
Ra mắt vào dịp Lễ hội Hoa Ban năm 2023 và Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VII, công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá du lịch - di sản văn hóa” được Tỉnh đoàn Điện Biên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa. 11 công trình thanh niên gồm các điểm gắn mã QR, bằng 2 ngôn ngữ Việt – Anh đã đặt tại: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, Đồi A1, hầm Đờ-cát, đồi D1 và Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi E và Trung tâm Văn hóa Cựu chiến binh, Trung tâm Đề kháng Him Lam. Tại các điểm di tích này, người dân, khách du lịch đến tham quan có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR kết nối website: https://www.dulichdienbien.vn. Trang web giới thiệu thông tin, quảng bá du lịch Điện Biên, giúp người dân và du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin về các địa điểm du lịch, mang đến sự trải nghiệm mới cho du khách.
Lần đầu đến Điện Biên và mong muốn tìm hiểu các điểm di tích lịch sử, bạn Bùi Khánh Vân, du khách đến từ tỉnh Nghệ An bày tỏ: “Thông qua các bảng gắn mã QR đã được lắp đặt, em cũng như nhiều khách du lịch khác khi đến tham quan có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã, dẫn đường link đến các website để tìm hiểu thông tin du lịch của tỉnh Điện Biên; đây là một sự trải nghiệm rất mới mẻ. Em thấy công trình của tuổi trẻ Điện Biên rất ý nghĩa để mọi người dễ dàng tìm hiểu thông tin và đưa ra lịch trình tham quan khi đến Điện Biên”.
Nằm trong chuỗi hoạt động của hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cuối tháng 4 vừa qua, Tỉnh đoàn Điện Biên đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức triển khai công trình số hóa điểm di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ. Với 1 mã QR, du khách và nhân dân có thể trải nghiệm tham quan một cách chân thực sống động bằng công nghệ 3D cùng với thông tin chi tiết của khu di tích, giới thiệu, quảng bá du lịch và văn hóa tại địa phương. Năm 2024, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng tuổi trẻ Điện Biên tiếp tục triển khai thực hiện 2 công trình số hóa di tích lịch sử tại Đồi A1 và Trung tâm đề kháng Him Lam.
Anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên, cho biết: Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đoàn viên, thanh niên được kỳ vọng là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh Điện Biên. Đặc biệt tỉnh ta có lợi thế về các điểm du lịch lịch sử nên để quảng bá, giới thiệu văn hóa, du lịch của tỉnh, tuổi trẻ Điện Biên đang từng bước số hóa các điểm di tích; giúp người dân và du khách có thể trải nghiệm quét mã QR ứng dụng số hóa tham quan di tích trên địa bàn.
Tham gia tích cực các hoạt động chuyển đổi số, hoạt động của Đoàn thanh niên đã đổi mới về nội dung và phương thức truyền tải để phù hợp với thời đại công nghệ số; góp phần chung vào kết quả đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tỉnh Điện Biên. Riêng Tháng Thanh niên năm 2023, tỉnh Điện Biên đăng ký tổ chức 71 hoạt động chuyển đổi số, mục tiêu trên 17.000 người được tiếp cận, thụ hưởng các hoạt động chuyển đổi số do Đoàn, hội tổ chức… Những công trình, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã ghi dấu ấn tích cực về sự quyết liệt, đi đầu của lực lượng đoàn viên thanh niên.
Với tinh thần “Ðâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên’’, tuổi trẻ Ðiện Biên đã và đang tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ và sức trẻ góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, vận dụng, ứng dụng công nghệ số trong cuộc sống hàng ngày.