Xã hộiChuyển đổi số

Thành công của chuyển đổi số phụ thuộc vào sự chủ động các bộ, ngành, địa phương

12:04 - Thứ Sáu, 19/07/2024 Lượt xem: 2326 In bài viết

ĐBP - Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đối số với các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì được tổ chức sáng nay (19/7).

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Hội nghị nghe lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an báo cáo về “Giải pháp để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phục vụ phát triển kinh tế số”; “Những tồn tại, điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06/CP và kiến nghị giải pháp thúc đẩy”.

Theo báo cáo của Google đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%). Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. 

Tình hình xã hội số giai đoạn 2022 - 2024 có những chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,08% (tăng thêm 20% so với năm 2020).

Về phát triển công dân số, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ CCCD gắn chip; kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5%). Có 34 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử. Ứng dụng VNeID đã được tích hợp thêm các tiện ích: sổ sức khỏe điện tử; giấy phép lái xe; ví điện tử; kê khai, đăng ký, nộp thuế; thông tin sổ bảo hiểm xã hội và nhiều tiện ích khác.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành trung ương và một số tỉnh, thành đã có tham luận, trao đổi làm rõ thêm những kết quả tích cực. Đồng thời chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc; kiến nghị tháo gỡ liên quan đến quá trình thực hiện chuyển đổi số cụ thể ở từng cấp, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới.

Tại Điện Biên, quá trình kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của Trung ương thời gian qua còn gặp một số vướng mắc. Cụ thể như: Hệ thống dịch vụ công của một số bộ, ngành chưa cho phép hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh kết nối, hoặc đã cho kết nối nhưng chia sẻ thông tin hồ sơ không đầy đủ, dẫn đến khó khăn trong quá trình theo dõi, thống kê hồ sơ TTHC; hệ thống thường xuyên bị lỗi ảnh hưởng đến việc liên thông hồ sơ giải quyết TTHC…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm rõ, thống nhất tư duy, cách tiếp cận chuyển đổi số để các bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện đồng bộ trong thời gian tới. Theo đó, xác định thành công của chuyển đổi số phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động các bộ, ngành, địa phương. Do vậy, người đứng đầu các cấp phải trực tiếp làm; cần tìm, lựa chọn một vấn đề thiết yếu, có tác động lan tỏa, giải quyết tồn tại, phục vụ người dân, từ đó tự tin mở rộng sang các lĩnh vực khác. Tập trung phát triển hạ tầng số (cơ bản bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu và các nền tảng có tính chất hạ tầng). Việc phát triển dữ liệu số phải bảo đảm 2 nguyên tắc: “Bắt buộc” và “100%”. Song song với đó, phải nghiêm túc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thông tin, có phương án phục hồi nhanh sau khi bị tấn công (dưới 24 giờ).

Tin, ảnh: Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top