Chính trịTư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nhân lên những điển hình học và làm theo Bác

06:38 - Thứ Bảy, 11/06/2022 Lượt xem: 17745 In bài viết

ĐBP - Học Bác từ những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập”... là phương châm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh khi thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, giúp đỡ hội viên phụ nữ còn khó khăn.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chiềng Đông (huyện Tuần Giáo) tuyên truyền đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các hội viên.

“Học và làm theo Bác không phải ở điều gì xa vời mà bắt đầu từ đức tính cần cù, ý chí và nghị lực vượt khó của Bác để áp dụng vào đời sống thường ngày”: Đó là suy nghĩ và hành động thiết thực của chị Nguyễn Thị Huệ, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên). Chị Huệ đã biến gần 1ha đất nông nghiệp cằn cỗi của gia đình trở thành diện tích trồng cây ăn quả kết hợp nuôi gà thả vườn cho thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm. Nhờ đó không chỉ tận dụng diện tích đất nông nghiệp mà chị Huệ còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều hội viên phụ nữ khác trên địa bàn xã. Còn với chị Quàng Thị Dương, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ bản Pa Bói, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) hàng năm vận động chị em trong chi hội tiết kiệm gây quỹ để tạo nguồn vốn, hỗ trợ giúp đỡ chị em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, chị Dương còn vận động chị em giúp nhau bằng con giống, ngày công lao động. Bản thân chị cũng mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển mô hình kinh tế với 4.000m2 ao cá. Với số vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế của gia đình chị khoảng 400 triệu đồng, trừ chi phí gia đình thu được 150 triệu đồng/năm...

Học và làm theo Bác từ những việc cụ thể, thiết thực, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tập huấn, truyền thông cho cán bộ, hội viên phụ nữ về các chủ trương, chính sách khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất kinh doanh, tổ chức cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp”, tham gia trưng bày các sản phẩm do hội viên, phụ nữ làm ra tại các hội nghị giới thiệu sản phẩm... Toàn tỉnh đã thành lập mới 1 mô hình CLB nữ doanh nhân, 5 hợp tác xã; thành lập 45 tổ liên kết, tổ hợp tác phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh. Các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green, Hợp tác xã Pha Đin... Nhiều mô hình hỗ trợ, vận động phụ nữ phát triển, nâng cao nhận thức, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nổi bật như mô hình: Ống tiền tiết kiệm, hũ gạo tiết kiệm; học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân, cộng đồng tại huyện Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo; mô hình nâng cao nhận thức, giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống tại Nậm Pồ; mô hình phòng chống mua, bán người tại Mường Chà...

Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua làm theo lời Bác, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp hội chú trọng vào các nhiệm vụ trọng tâm như rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đăng ký học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW. Cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đoàn kết, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, các cấp hội đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên phụ nữ, tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần ổn định tình hình trên địa bàn.

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Hội cấp trên, các cơ sở Hội thường xuyên sưu tầm những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác để kể trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ phụ nữ, đồng thời biểu dương những tấm gương phụ nữ điển hình tiên tiến trong việc học và làm theo Bác... Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của hội viên trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm bằng hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đang quản lý trên 861 tỷ đồng cho gần 18.055 hộ vay nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh quản lý trên 4 tỷ đồng nguồn vốn quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển cho 422 hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình; vận động, hỗ trợ, giúp đỡ 2.042 phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo; thành lập 207 nhóm mô hình cổ phần tài chính tự quản với 5.175 thành viên, huy động hàng chục tỷ đồng để tạo nguồn vốn tại chỗ cho thành viên vay phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn; phối hợp vận động đào tạo nghề cho trên 5.000 lao động nữ.

Với phương châm “Mỗi cơ sở một hoạt động, mỗi hội viên một việc làm”, việc tuyên truyền, vận động phụ nữ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai với các mô hình cụ thể như: Phát động Phong trào thi đua “Làm theo Bác thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia với mô hình: Nuôi lợn đất, hũ gạo tiết kiệm, ống tre tiết kiệm; tổ tiết kiệm, hùn vốn, mô hình “5 giúp 1”; “10 giúp 1” “tổ phụ nữ giúp hội viên nghèo”. Hàng năm, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm và nhu cầu của phụ nữ, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế. Thông qua các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tổ chức tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ, giúp hội viên phụ nữ và con em của họ có việc làm sau đào tạo. Nhiều cách làm mới, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực vận động chị em chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ chị em tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP, chuỗi nông sản an toàn, trong đó kể đến như gạo Điện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, dược liệu, mắc ca, cây ăn quả, dứa, bưởi da xanh. Đặc biệt, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn tham gia các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, ngân hàng, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (dệt, may trang phục thổ cẩm, đồ mỹ nghệ, mây tre đan).

Đức Kiên
Bình luận
Back To Top