ĐBP - Từ chỗ sản xuất lúa nước một vụ, tra hạt ngô trên nương, hiện nay người dân trên địa bàn huyện Mường Nhé đã dần thay đổi tư duy, mở rộng diện tích lúa nước để sản xuất 2 vụ và các cây màu. Đây là phong trào được Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Nhé phát động, nhằm vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển nông nghiệp, góp phần chuyển đổi nhận thức và hành động trong Nhân dân đối với phát triển sản xuất lương thực theo hướng bền vững.
Mở rộng diện tích, luân canh gối vụ
Đầu tháng 7, trên những cánh đồng bản Mường Nhé, xã Mường Nhé trở nên náo nhiệt, đông vui hơn bởi tiếng nói, tiếng cười của người dân xen lẫn tiếng máy cày làm đất chuẩn bị cho vụ chiêm.
Xác định đất trồng là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp, người dân trên địa bàn xã Mường Nhé đã có những biện pháp cải tạo đất như: Hạn chế sử dụng các loại phân hóa học, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ; cày sâu đất; sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch; bón vôi đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời thời điểm… Trước đây, do tập quán canh tác, cộng với thiếu nước vào mùa khô nên người dân chỉ sản xuất lúa 1 vụ. Được đầu tư hệ thống thủy lợi, cùng sự tuyên truyền, vận động tích cực của chính quyền địa phương, người dân nơi đây đã thay đổi tư duy, chuyển sang canh tác 2 vụ. Với chân ruộng thiếu nước vào mùa khô, đều được cày ải sau đó trồng ngô, đậu tương, lạc. Sự cần mẫn của người dân được đền đáp bằng năng suất tăng hơn, thu nhập ổn định.
Anh Lò Văn Ún, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé cho biết: Trước kia diện tích hơn 1.000m2 của gia đình tôi chỉ cấy một vụ lúa nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi hệ thống thủy lợi được đầu tư và cán bộ nông nghiệp hướng dẫn gia đình tôi mạnh dạn luân canh, gối vụ. Đồng thời, sử dụng các loại phân hữu cơ; sau mỗi vụ thu hoạch tiếp tục cày sâu để tạo độ tơi xốp và phì nhiêu cho đất.
Hiện nay hầu hết nông dân trên địa bàn xã Mường Nhé đã sản xuất lúa 2 vụ hoặc chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, xóa bỏ dần tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo đòn bẩy cho nền kinh tế nông nghiệp phát triển.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Trước đây sau khi thu hoạch xong lúa mùa là bà con bỏ hoang ruộng đồng vì tập quán của đồng bào ở đây chỉ làm một vụ. Quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, cùng với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn, ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai cuộc “cách mạng” sản xuất: Cải tạo, mở rộng diện tích lúa nước, luân canh gối vụ, không để đất trống, đất hoang; trừ những khu vực quá cao, thiếu nước sản xuất. Phòng đã triển khai chương trình hỗ trợ ứng dụng giống mới và tiến bộ kỹ thuật bón phân hữu cơ trong sản xuất lúa vụ đông xuân năm 2022 - 2023 trên diện tích 256,73ha với 788 hộ tham gia; lúa vụ mùa năm 2023 với quy mô 270ha. Nhờ đó, sản xuất lúa tăng cả về diện tích và sản lượng so với năm 2022. Huyện thực hiện chính sách hỗ trợ khai hoang ruộng nước tại các xã năm 2022 được nghiệm thu năm 2023 là 150,44ha. Cụ thể, xã Sen Thượng (13,2ha), Leng Su Sìn (12,9ha), Chung Chải (16,55ha), Mường Nhé (74,49ha), Mường Toong (10ha), Nậm Kè (12,5ha), Huổi Lếch (5,9ha), Pá Mỳ (4,9ha), Quảng Lâm (17,6ha).
Phát triển nông nghiệp toàn diện
Hưởng ứng phong trào tận dụng, phát huy nguồn lực đất đai trong sản xuất nông nghiệp gắn với việc học tập và làm theo tư tương đạo đức, phong cách Hồ chí Minh, UBND huyện Mường Nhé đã triển khai thực hiện với mục tiêu xây dựng một số mô hình điểm về luân canh, xen canh, tăng vụ để người dân thấy được hiệu quả của mô hình so với sản xuất truyền thống. Dự kiến đến năm 2025, huyện khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa nước đạt 2.222,7ha; khai hoang mới 424,6ha. Thực hiện luân canh tăng vụ trên đất lúa một vụ gồm sản xuất một vụ lúa và một vụ màu với diện tích 610ha; trên đất lúa hai vụ sản xuất thêm một vụ màu với diện tích 70ha. Đồng thời, thực hiện xen canh để nâng cao hiệu quả sử dụng đất 315ha. Huyện cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như: Chuyển đổi 1.000ha trồng lúa nương sang trồng ngô, chuyển 2.000ha đất nương luân canh sang trồng cây quế. Cùng với đó là rà soát hiện trạng các công trình thủy lợi, kịp thời sửa chữa, nâng cấp đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, khai thác lợi thế rừng và đất lâm nghiệp.
Ông Bùi Minh Hải, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Thời gian qua, Mường Nhé đã xuất hiện những mô hình xen canh, luân canh, tăng vụ tạo năng suất cao, góp phần chấm dứt tình trạng du canh; đảm bảo quốc phòng, an ninh. Để nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, Ban Thường vụ Huyện ủy phát động phong trào thi đua nhằm vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển nông nghiệp. Từ đó góp phần chuyển đổi nhận thức và hành động trong nhân dân đối với việc phát triển sản xuất lương thực theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, cải thiện năng suất. Tăng hiệu quả mô hình chuyển đổi đất chuyên canh lúa sang luân canh, xen canh tăng vụ, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Để thực hiện hiệu quả phong trào, huyện Mường Nhé đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, quy mô sản xuất hướng đến sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông - lâm nghiệp, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu. Quản lý, bảo vệ tốt diện tích đất trồng lúa, ưu tiên mở rộng diện tích sản xuất lúa nước hai vụ; kết hợp luân canh, xen canh giữa lúa với các cây nông nghiệp khác để tăng thu nhập cho nông dân và cải thiện hệ thống canh tác. Giảm dần diện tích lúa nương để chuyển sang trồng cây đa mục đích, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây thức ăn chăn nuôi. Gắn kết chặt chẽ giữa trồng trọt và chăn nuôi, hình thành vùng nguyên liệu cho chăn nuôi, tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm trồng trọt phục vụ chăn nuôi, sử dụng chất thải từ chăn nuôi để cải tạo đất trồng trọt. Đẩy mạnh phát triển cây màu vụ đông xuân, cây công nghiệp ngắn ngày trên đất lúa một vụ.