ĐBP - Thung lũng Mường Thanh ẩn chứa bao điều kỳ lạ, thôi thúc sự tò mò, thu hút bất kỳ ai muốn tìm hiểu khám phá. Nơi đây không chỉ có một vị trí địa lý đặc biệt, giá trị lịch sử lâu đời mà ngay cả những quả đồi nằm giữa lòng thung cũng là những câu chuyện dài cuốn hút…
Thung lũng Mường Thanh là vùng đất đặc biệt, điều đó ắt hẳn ai cũng biết, nhất là khi gắn với chiến dịch Điện Biên lịch sử. Từ thuở khai thiên lập địa, lòng chảo này có cả núi, đồi, sông, suối với bố cục cân đối, hài hòa. Bao quanh là vành núi nhấp nhô đan xen, ở khoảng giữa là vùng lòng chảo rộng lớn chạy dài xen là những quả đồi nằm rải rác.
Có lẽ chưa có nghiên cứu nào từng thống kê ở thung lũng Mường Thanh, khu vực lòng chảo ôm gọn cả huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ có bao nhiêu quả đồi. Và vì thế dù ở lòng thung có rất nhiều đồi nhưng khó ai biết được số lượng chính xác bao nhiêu.
Từ trên cao nhìn xuống hết nhấp nhô của đồi, của núi thì tầm mắt lại được mở ra với không gian khoáng đãng của đồng ruộng, vườn tược và bản làng của đồng bào dân tộc. Đồi ở Mường Thanh, nhất là những quả đồi nằm giữa lòng chảo cũng là những quả đồi vô cùng đặc biệt vì không quá cao. Qua bao tháng năm, bao thăng trầm lịch sử những quả đồi giờ tựa như những cái bát úp, với dáng nằm thoai thoải xen giữa đồng lúa xanh, giữa các làng bản và phố thị đông vui tấp nập. Những quả đồi Mường Thanh không chỉ mang nét đẹp tự nhiên mà còn gắn với nhiều truyền thuyết, nhiều giai thoại từ người xưa truyền lại với những câu chuyện vô cùng thú vị.
Từ quốc lộ 279 bắt đầu vào khu vực trung tâm nội đô của thành phố là xã Thanh Minh rồi đến phường Him Lam. Nơi đây rải rác nhiều đồi dọc hai bên đường. Đến nay trong đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc vẫn còn truyền câu chuyện về Ải Lậc Cậc, nhân vật thần thoại khổng lồ ở trên trời, sau nạn đại hồng thủy được Then cử xuống xây dựng lại cuộc sống dưới nhân gian. Theo chuyện lưu truyền, khi xuống trần, Ải đã khai phá tạo ra nhiều mường, nhiều bản. Một hôm vì làm rơi hòn đá lửa ở giữa sông Nậm Rốm, Ải liền lấy chân gạt đi gạt lại lòng sông để tìm đá lửa. Vì thế mà đá bị dồn cả về phía đầu và phía cuối con sông. Do Him Lam nằm ở phía đầu sông nên ở đây lòng sông và chân đồi đều có lẫn rất nhiều đá đen do bàn chân của Ải Lậc Cậc gạt. Còn về những quả đồi thì người già ở Mường Thanh kể lại đó vốn dĩ là những luống cày của Ải. Khi cày xong nhưng chưa kịp bừa thì Ải đã rời trần. Vì vậy những luống cày vẫn còn nguyên như thế, qua thời gian mà thành đồi. Ở Him Lam có đồi Him Lam - nơi liệt sĩ Phan Đình Giót, người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, hy sinh anh dũng. Hỏa điểm lợi hại của địch bị dập tắt, tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13/3/1954.
Trong các quả đồi di tích ở Mường Thanh, ngoài đồi A1 ở khu vực trung tâm, trên trục đường 12 đi các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, TX. Mường Lay rồi sang đất Lai Châu là đồi Độc Lập nổi tiếng. Đồi Độc Lập có tên cũ là đồi Pú Vắng (đồi Vực). Cách đây hàng thế kỷ ngay cánh đồng trũng dưới chân đồi, giặc Phẻ đã bắt hết trẻ con trong vùng ném xuống cánh đồng rồi tháo nước vào. Sau này nước cạn, xương trẻ con trắng xóa cả cánh đồng. Câu chuyện đau thương này không mấy người già ở đây là chưa từng được nghe. Đồi Độc Lập dài hình bầu dục, xưa kia đỉnh rất cao, nhưng không dốc, sườn đồi thoai thoải. Đứng trên đỉnh đồi có thể trông thấy nóc hầm Đờ-cát. Cách đây mấy năm chúng tôi vào thăm bản Mớ - một bản của đồng bào dân tộc Thái ngụ cư từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Ngay đầu bản nhìn sang bên trái, sát chân dòng kênh Nậm Rốm là nhà ông Cà Văn Quân. Gia đình ông Quân sinh sống ở đây đã lâu, từ đời cụ thân sinh ra ông là cụ Cà Văn Pỉa. Trong áng chiều tà, ông Quân và bà Lả - vợ ông kể cho chúng tôi nghe chuyện ly kì ngay trên chính mảnh đất gia đình ở. Từ những năm 1977, 1978, khi cụ Cà Văn Pỉa cuốc đất làm vườn thấy khá nhiều mảnh gạch cổ vùi dưới các lớp đất, đào sâu xuống thấy dấu vết của một nền gạch. Nhiều viên vẫn còn nguyên vẹn. Theo lời các cụ trong gia đình kể lại thì nơi này nguyên là một phần nền nhà của các chúa Lự ngày xưa. Đến năm 1998 khi san ủi nền dựng nhà vợ chồng ông Quân lại thấy cả những chiếc đinh dùng để đóng móng ngựa từ ngày xưa và nhiều viên gạch có chiều dài tầm 30cm, rộng chừng 15cm cùng một số bát đĩa cổ. Số gạch được vợ chồng ông Quân xếp gọn ngay dưới sàn nhà. Sau này khi thực hiện tái định cư sân bay Điện Biên, gia đình ông Quân thuộc diện phải di dời, vợ chồng ông vẫn luyến tiếc mãi mảnh đất từ thời cha ông để lại. Giờ đây trên đỉnh đồi Độc Lập, giữa bốn bề gió ngàn, cỏ cây sừng sững tấm bia khắc dòng chữ “Cứ điểm đồi Độc Lập (Gabrielle) 6 giờ 30 phút ngày 15 tháng 3 năm 1954 Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) với sự chi viện đắc lực của các đơn vị pháo binh súng cối đã tiêu diệt gọn cứ điểm này”.
Cách đồi Độc Lập chừng 1km là đồi Bản Kéo. Đây cũng là một cứ điểm nổi tiếng thuộc phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tên đồi gọi theo tên một bản nhỏ của người Thái ngay đây. Trong tiếng Thái, “kéo” là cái thung nhỏ ở chân núi. Đồi Bản Kéo tuy không cao nhưng lại có hình dạng dài, trông xa như hình vành trăng khuyết. Chiếm lại được bản Kéo mà không phải nổ súng, đã giúp bộ đội ta mở toang cánh cửa phía Bắc vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Mùa này quanh đồi Độc Lập, Bản Kéo lúa đang trỗ đòng một màu xanh ngắt.
Lòng chảo Mường Thanh còn một dãy đồi nổi tiếng, đó là các đồi C1, C2, A1…. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi C2 là một vị trí quan trọng, là một trong những bình phong che chắn cho căn cứ trung tâm của quân địch với hàng chục ụ súng lớn nhỏ. Vào lúc 9 giờ ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm C2, bắt sống trên 600 tên địch.
Trong số những quả đồi ở Điện Biên Phủ, đồi A1 là một quả đồi nổi tiếng. Theo người Thái ở Điện Biên thì đồi A1 trước đây gọi là đồi Lạng Chượng, tên gọi này gắn quả đồi từ nhiều thế kỷ trước. Qua thời gian, đồi Lạng Chượng cũng nhiều lần thay đổi tên gọi theo biến động lịch sử. Đến khi thực dân Pháp xâm chiếm Điện Biên, quả đồi này được dân địa phương gọi là đồi Đồn Tây. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 quả đồi được quân đội ta đặt cho ký hiệu là A1. Ngay phía sau đồi A1 là đồi Cháy và đồi F. Đây cũng chính là 2 căn cứ xuất phát của bộ đội ta khi tấn công vào cứ điểm A1. Đồi A1 có vị trí quan trọng trong cụm đồi phía Đông, là cao điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng ngự tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Và ký hiệu đó đã trở thành cái tên gắn với chiến thắng lịch sử của quân và dân ta trên mảnh đất Điện Biên từ đó đến giờ. Đứng trên đỉnh đồi A1có thể bao quát phần lớn lòng chảo Điện Biên. Từ đỉnh đồi nhìn xuống, xa xa là đồi E1, gần hơn là các đồi C1, C2, D1… quanh là khu vực nội thị thành phố với phố xá đông vui tấp nập, trụ sở các cơ quan đơn vị, trung tâm thương mại, các khu vực vui chơi giải trí… Bên kia là sông Nậm Rốm với dòng chảy dọc theo chiều dài thành phố.
Các quả đồi ở giữa thung lũng Mường Thanh không chỉ trải qua nhiều biến cố, chứng kiến những thăng trầm mà còn là những “nhân chứng” theo suốt chiều dài lịch sử của mảnh đất này. Với những du khách có dịp lên mảnh đất Điện Biên anh hùng tới tham quan các quả đồi lịch sử, đứng trước những tấm biển mang tên các ký hiệu A1, C1, C2, D1 hay Độc Lập, Him Lam… và những tấm bia kỷ niệm đều không khỏi trào dâng nỗi xúc động. Ngày nay, hệ thống các đồi, cụm đồi này đã trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn là điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ.