Du lịchĐất và người Điện Biên

Bản Lồng chuẩn bị “mở cửa” đón khách

08:50 - Thứ Sáu, 05/01/2024 Lượt xem: 4793 In bài viết

ĐBP - Từ đèo Pha Đin lịch sử, chỉ thêm vài km là đến Bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo - địa điểm có cảnh đẹp nên thơ, văn hóa truyền thống đặc sắc. Với lợi thế đó, những ngày cuối năm, bản Lồng đang rộn ràng hoàn thiện các khâu xây dựng mô hình du lịch cộng động, chuẩn bị mở cửa đón khách vào đầu năm mới Giáp thìn 2024. Sau khi hoàn thiện, nơi đây sẽ là bản du lịch cộng đồng dân tộc Mông đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Người mang dao, người vác cuốc, người cầm xẻng... Hoàn toàn từ những dụng cụ thô sơ và đôi bàn tay cần mẫn, người dân bản Lồng “ra quân” mở đường đến các điểm check-in (điểm đến đẹp cho du khách chụp ảnh, khám phá, trải nghiệm). 109/109 hộ dân bản Lồng đồng lòng làm, nên các phần việc đều nhanh chóng hoàn thành.

Ông Mùa A Sùng, Trưởng bản Lồng cho biết: “Bà con trong bản cùng làm đường đến điểm check-in đẹp để thu hút du khách, bao gồm điểm ngắm bình mình săn mây, ngắm ruộng bậc thang; đường vào hang cọp; làm bậc thang vào đá mũi rồng. Tổng khoảng gần 500m. Sau khi làm xong, chúng tôi sẽ tiếp tục trồng hoa dọc đường, tạo cảnh quan đẹp cho bản làng”.

“Ra quân” làm đường, người dân bản Lồng lại rủ nhau cùng... đi học các lớp tập huấn, bồi dưỡng đón tiếp, phục vụ khách. Mới đây, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã chủ trì mở 5 lớp tại bản Lồng, mời các chuyên gia tới truyền đạt, hướng dẫn các hộ dân, về nhiều vấn đề. Bao gồm: Tập huấn bồi dưỡng trình diễn dân gian dân tộc Mông; bảo tồn nghề truyền thống  chế tác khèn Mông; tập huấn nấu ăn; kỹ năng vận hành homestay; bồi dưỡng văn hóa giao tiếp ứng xử, kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch.

Các lớp đều được bà con hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, chăm chú học hỏi. Trước đó, huyện đã tổ chức cho một số người dân đi tham quan thực tế mô hình du lịch cộng đồng nổi tiếng bản Sin Suối Hồ (Lai Châu) – cùng dân tộc Mông, nơi có nhiều nét tương đồng với bản Lồng.

Sau khi được “mắt thấy tai nghe” và tiếp thu những kiến thức bổ ích, 4 hộ trong bản có dự định đầu tư nâng cấp nhà ở mở homestay. Trong đó tiên phong là gia đình ông Mùa A Dề - người có uy tín của bản, đã hoàn thiện các công trình và sẵn sàng đón khách. Ông Dề chia sẻ: “Bà con tin tưởng, nên mình cũng đi trước thử nghiệm, nếu thành công bà con có thể thấy được lợi ích, tiềm năng khai thác du lịch, cùng mở cửa đón khách”.

Với tinh thần ấy, từ nhà ở hiện tại của gia đình, ông Dề mở thêm 4 phòng ngủ với 12 giường (2 phòng 4 giường/phòng, 2 phòng 2 giường/phòng) cùng hệ thống nhà tắm, vệ sinh. Các phòng đều trang bị đầy đủ đồ dùng, đáp ứng khách lưu trú. Tổng chi phí đầu tư 500 triệu đồng.

Ông Dề cho biết thêm: “Để chuẩn bị đón tiếp, phục vụ khách tốt nhất, khi Phòng Văn hóa – Thông tin mở lớp tập huấn kỹ năng vận hành homestay, cả nhà tôi (4 người) cùng tham gia lớp học. Ai cũng nắm được kiến thức, và tự tay làm các công việc, quy trình đón khách, dọn dẹp phòng, vệ sinh môi trường xung quanh, giải quyết phản hồi...”

Nói về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lồng, ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Tỏa Tỉnh nói chung, bản Lồng nói riêng có những cánh rừng bạt ngàn, đồi thông rộng lớn; mùa xuân hoa mơ, mận, lê, táo mèo nở đẹp nên thơ, phù hợp người yêu thiên nhiên, du lịch khám phá trải nghiệm. Đây là nơi đồng bào dân tộc Mông sinh sống lâu đời, còn giữ gìn được văn hóa truyền thống từ trang phục, nếp nhà, món ăn, tiếng nói, nghi lễ... đặc sắc”.

Đường đến bản Lồng cũng thuận lợi, cách quốc lộ 6km, được thiên nhiên ưu đãi với mây bao quanh, khí hậu mát mẻ, nhiều điểm check-in đẹp và đặc sản riêng. “Chúng tôi kỳ vọng du lịch sẽ là hướng đi mới để bà con phát huy được những giá trị ấy và giảm nghèo bền vững” – ông Sơn giãi bày.

Việc xây dựng bản Lồng trở thành mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của địa phương được Tuần Giáo xây dựng kế hoạch từ đầu năm 2023. Mục tiêu nhằm tăng cường thu hút khách du lịch đến bản Lồng nói riêng và huyện Tuần Giáo nói chung, góp phần kéo dài thời gian khách lưu trú tại huyện; góp phần gìn giữ, phát huy các nét văn hóa truyền thống dân tộc Mông; phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ thiên nhiên; tạo sinh kế mới bền vững cho người dân...

Thực hiện nhiệm vụ ấy, bà Lò Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: “Trong năm các cơ quan chuyên môn cùng các chuyên gia đã lên khảo sát bản, tư vấn, lập kế hoạch xây dựng mô hình. Sau nhiều phần việc đã triển khai, hiện tại cán bộ Phòng, và cấp ủy, chính quyền xã đang cùng đồng hành với người dân tiếp tục tạo cảnh quan, làm đẹp bản, hoàn thiện các khâu đón tiếp khách, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thức, giao lưu văn hóa... Tất cả cùng nỗ lực dự kiến để du lịch cộng đồng bản Lồng ra mắt và đi vào hoạt động đầu năm mới”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top