Bài 2: Hành trình đánh thức mọi giác quan
Hành trình đến Tủa Chùa mang đến trải nghiệm độc đáo với vẻ đẹp hoang sơ và văn hóa phong phú của các dân tộc nơi đây. Cảnh sắc thiên nhiên đa dạng, núi non hùng vĩ, ruộng bậc thang xanh mướt đến dòng Đà Giang mùa thu trong vắt. Tất cả hòa quyện tạo nên một không gian tuyệt đẹp. Âm thanh của thiên nhiên như tiếng gió, nước chảy, chim hót; thưởng thức ẩm thực địa phương và tham gia lễ hội… sẽ đánh thức mọi giác quan du khách.
Tả Sìn Thàng - nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông và Xạ Phang. Một nhà thơ từng nói: “Tả Sìn Thàng, nơi cha dựng lều thả vào hốc đá, muôn hạt ước mơ… Nơi mẹ gùi nắng gió, ủ lá ngàn sương núi, chắt những lời ca…”. Nét văn hóa của các dân tộc nơi đây gần như nguyên sơ. Nếu lựa chọn đúng thời điểm, du khách sẽ được tham gia chợ phiên (ngày Tý, ngày Ngọ, 6 ngày 1 phiên) nơi bà con buôn bán, trao đổi hàng hóa, các chàng trai, cô gái xuống chợ tìm bạn…
Người Xạ Phang ở Tả Sìn Thàng có món bánh mi hóa và kẹo kéo là đặc sản bản địa được bày bán mỗi dịp chợ phiên. Theo tiếng Xạ Phang, “hóa” nghĩa là hoa, “mi” là gạo. Và giống như bánh bỏng, nguyên liệu chính làm bánh mi hóa là vừng rang vàng, gạo nếp đồ để nguội phơi khô cho rời rồi rang cùng cát nóng. Xôi nếp khô nở bung như những bông hoa trắng được bà con cho các nguyên liệu vào chảo chứa mạch nha rồi trộn đều, dàn mỏng ra phên và cắt thành những miếng mỏng. Vị giòn tan, nức mũi của bánh mi hóa khiến ai cũng nhớ về những kỷ niệm ngọt ngào.
Thôn Háng Khúa, xã Sín Chải - nơi được gọi là “mâm vàng, mâm bạc” vì có ruộng bậc thang hình tròn. Vào mùa lúa chín, Háng Khúa như chiếc mâm vàng ruộm của lúa; tới mùa nước đổ, từng vòng ruộng như mâm nước phản chiếu lên trời.
Mâm vàng.
Rời Sín Chải, hướng về phía sông Đà, di chuyển khoảng 10km là tới thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só, nơi đây có trên 100 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao quần chẹt với nhiều nét văn hóa độc đáo nguyên sơ. Đặc biệt là vịnh Pa Phông với cây cầu Pa Phông bắc qua dòng Đà giang.
Pa Phông.
Chia sẻ của anh Trần Khắc Thành, du khách từ TP. HCM.
Vẫn theo dòng sông Đà, từ Pa Phông tới bến Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng đi thuyền mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Đứng trên boong thuyền lộng gió, dập dìu sóng nước, thuyền nhẹ lướt trên dòng Đà giang, ẩn hiện từng thuyền lớn thuyền nhỏ ngược xuôi.
Bến Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng, người dân gần bến đa số là dân tộc Thái trắng. Việc phát triển kinh tế chủ yếu từ làm lồng nuôi cá, đánh bắt cá trên sông. Một buổi đánh bắt thường từ tinh mơ; các loại thủy sản sau một buổi đánh bắt được các bà, các mẹ chọn lọc, trao đổi, mua bán tới 5 giờ sáng.
Năm 2015, hang động Khó Chua La (xã Xá Nhè) được công nhận Di tích Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Theo tiếng Mông, Khó có nghĩa là hang động, Chua có nghĩa là núi đá, mỏm đá, La là khỉ. Dịch sang tiếng phổ thông là Hang động khỉ.
Hiện tại, Trung tâm VH - TT - TH kết hợp cùng Huyện đoàn, Hội LHPN huyện và xã Xá Nhè huy động nhân công cũng như vận động nguồn xã hội hóa tiến hành phát dọn, trồng 200 gốc đào dọc 181 bậc thang dẫn lên hang động Khó Chua La. Việc này vừa nhằm cải tạo cảnh quan vừa hình thành điểm nhấn, check - in cho du khách thập phương.
Hang Khó Chua La được chia làm 3 khoang, các khoang rất rộng với nhũ đá, măng đá, các trầm tích hình nấm, bậc thang… Trên trần, vách động là từng mảng màu sắc đan xen, có trắng muốt, ngả vàng, xám trắng vô cùng thú vị và đẹp mắt.
Hang Khó Chua La.
Khai thác tiềm năng văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị di tích, các điểm tham quan du lịch cảnh quan, lịch sử… Tủa Chùa đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/HU ngày 30/6/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch Tủa Chùa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu đến năm 2025: Hoàn thành công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công nhận 1 điểm du lịch; xây dựng 4 sản phẩm du lịch, 2 điểm dừng chân ngắm cảnh, 1 thôn, bản văn hóa làm du lịch. Thu hút trên 20 nghìn lượt du khách/năm, trong đó khoảng 5% khách quốc tế. Thu hút ít nhất 1 nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch. Định hướng đến năm 2030: Từng bước xây dựng Tủa Chùa trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh và khu vực; phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với lợi thế tài nguyên du lịch của địa phương. Công nhận công trình kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Thành Vàng Lồng, cao nguyên đá Tả Phìn là khu du lịch cấp tỉnh; công nhận thêm ít nhất 1 điểm du lịch; phát triển thêm ít nhất 2 sản phẩm du lịch mới; xây dựng thêm 2 điểm dừng chân và 2 thôn, bản văn hóa làm du lịch. Đón trên 40 nghìn lượt khách, trong đó có khoảng 10% khách quốc tế…
Hành trình khám phá Tủa Chùa - Một vòng mùa thu với quãng đường hàng trăm ki lô mét, có thể làm “no” tất cả các giác quan của du khách lữ thứ. Hiếm có nơi đâu thiên nhiên, văn hóa các tộc người, phong cảnh lại đa dạng, hữu tình đến vậy.
Từ ngày 16 - 20/10, huyện Tủa Chùa sẽ tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch với nhiều hoạt động đa dạng hấp dẫn. Đây là lời hẹn, một điểm đến không nên bỏ qua của du khách trong mùa thu này.