ĐBP - Khai thác tiềm năng sẵn có, những năm qua tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển năng lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Xác định thu hút đầu tư phát triển các dự án năng lượng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Sở Công Thương đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các kế hoạch, giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiến hành thăm dò, khảo sát và đề xuất các dự án đầu tư về năng lượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án phát triển năng lượng đã hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác. Một số dự án đang triển khai thi công và nhiều dự án khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Đa số các dự án đang tập trung trong lĩnh vực thủy điện. Các dự án về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hiện các nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát đánh giá và dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới.
Các công trình thủy điện được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho lao động địa phương... Đến hết năm 2021, tỉnh ta đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 8 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy dự kiến là 77,2MW. Lũy kế đến nay có 26 dự án thủy điện (với tổng công suất lắp máy là 324,8MW) đã và đang được triển khai đầu tư trên địa bàn. Trong năm 2021, toàn tỉnh có 3 nhà máy thủy điện được đưa vào vận hành khai thác, gồm: Long Tạo, Nậm Pay và Huổi Vang, với tổng công suất tăng thêm là 62,5MW.
Công trình thủy điện Huổi Chan 1 (bản Huổi Chan, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) là một trong những dự án thủy điện đang triển khai thi công trên địa bàn tỉnh. Công trình khởi công từ tháng 2/2020, có công suất thiết kế 15MW với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 làm chủ đầu tư. Đến hết năm 2021, công trình đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, như: Phần trụ biên, đập, cửa nhận nước, kênh xả nước ra và dẫn nước vào đã cơ bản hoàn thành trên 90%; phần xây lắp đã đạt trên 80% và phần thiết bị cơ khí thủy công đạt trên 60%. Hệ thống nhà máy điều hành cũng đã cơ bản hoàn thành.
Ông Vũ Thế Trung, Chỉ huy trưởng công trình thủy điện Huổi Chan 1 cho biết: “Hiện nay, Công ty đang tập trung nhiều máy móc, thiết bị cũng như huy động nhân lực làm việc liên tục để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Công ty phấn đấu hoàn thành và phát điện trước 2 tháng so với kế hoạch, tức là sẽ phát điện vào tháng 4/2022”.
Bên cạnh phát triển các công trình thủy điện vừa và nhỏ, tỉnh ta cũng chú trọng thu hút đầu tư các dự án trạm biến áp, đường dây và tuyến đường dây 35kV, 110kV huyết mạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đấu nối, giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng trên địa bàn hòa vào lưới điện quốc gia. Năm 2021, tỉnh ta đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác trạm biến áp 110kV Mường Chà, tuyến đường dây 110kV Điện Biên - Mường Chà, tuyến đường dây 110kV Điện Biên 2 - Điện Biên Đông và 33 trạm biến áp 35kV. Tổng dung lượng là 2.234kVA với 77,583km đường dây 35kV.
Những ngày cuối năm 2021, Công ty Điện lực Điện Biên phối hợp Ban Quản lý dự án lưới điện (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) chính thức đóng điện thông tuyến Dự án đường dây 110kV Mường Lay - Điện Biên. Dự án do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư thông qua Ban Quản lý dự án lưới điện; tổng mức đầu tư hơn 194 tỷ đồng thuộc nguồn vốn tín dụng thương mại. Đây là dự án nhằm ổn định cung cấp điện cho huyện Mường Chà và một số khu vực lân cận, kết nối đường dây 110kV Thủy điện Long Tạo và kết nối mạch vòng với đường dây 110kV thuộc tỉnh Lai Châu.
Ngoài tiềm năng thủy điện, tỉnh ta cũng có điều kiện thuận lợi về bức xạ nhiệt trong ngày và tốc độ gió để phát triển các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có dự án điện gió và điện mặt trời được triển khai xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đây là hướng thu hút đầu tư đầy tiềm năng mà tỉnh đang hướng đến thông qua việc thực hiện thủ tục đề nghị bổ sung quy hoạch 2 dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Bên cạnh đó, trong năm 2021, tỉnh Điện Biên đã thu hút được các nhà đầu tư như: Liên doanh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Cổ phần Bamboo Capital thực hiện nghiên cứu, khảo sát dự án điện gió, điện mặt trời, đề xuất chủ trương đầu tư dự án thủy điện và đường dây truyền tải điện 110Kv Nậm Pồ - trạm 500/220/110Kv Lai Châu.
Có thể nói, lĩnh vực năng lượng đang được tỉnh tập trung khai thác, thu hút các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, khảo sát và đề xuất các dự án đầu tư. Với những tiềm năng lớn cùng cơ chế, chính sách phù hợp với chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch của Chính phủ, lĩnh vực năng lượng của tỉnh sẽ tiếp tục thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.