ĐBP - Để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh ta đã rà soát, nghiên cứu, phân tích và ưu tiên lựa chọn những ngành, lĩnh vực thế mạnh để mời gọi, thu hút đầu tư.
Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 46 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 15.256 tỷ đồng. Nâng tổng số dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn lên 187 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 38.676 tỷ đồng. Đến nay, có 115 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động và 72 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn giải ngân là 5.433,39 tỷ đồng. Trong năm 2022, tính đến ngày 31/8, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án về lĩnh vực thủy điện, thương mại dịch vụ, nông - lâm nghiệp, khu đô thị với tổng mức đầu tư đăng ký 7.321,45 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thời gian qua, việc thu hút đầu tư đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Mặc dù công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh đã được quan tâm nhưng các hình thức xúc tiến đầu tư chưa đa dạng. Số dự án công nghệ cao còn ít, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm so với đăng ký đầu tư. Tỷ trọng đầu tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn còn thấp; tính bền vững, tính liên kết và tính lan tỏa còn hạn chế. Hiện nay, tỉnh ta chưa có danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư được phê duyệt, công tác xúc tiến đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh ta đã rà soát, ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; công nghiệp chế biến; công nghiệp phụ trợ; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị TP. Điện Biên Phủ. Đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp đa dạng hóa trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước. Công tác xúc tiến đầu tư gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và khu vực của tỉnh; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả, tránh hình thức, dàn trải; thu hút đầu tư có chọn lọc phù hợp với mục tiêu, yêu cầu trong tình hình mới. Song song với thu hút đầu tư từ các nguồn lực ngoài tỉnh, công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng đang được tỉnh ta chú trọng thông qua các hình thức hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án ở các cấp, các ngành. Trong đó, tập trung hỗ trợ các dự án lớn, cụm dự án trọng điểm, có sức lan tỏa để hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư, hệ thống các dự án phụ trợ và làm cầu nối thu hút các nhà đầu tư mới. Đơn cử như lĩnh vực nông - lâm nghiệp, từ năm 2018 đến nay tỉnh ta đã thu hút được các nhà đầu tư trồng mắc ca và trồng rừng sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 12 dự án trồng cây mắc ca của 11 doanh nghiệp với quy mô thực hiện trồng 83.815ha. Từ đó mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn. Hay một số dự án lớn đang được các nhà đầu tư gấp rút triển khai, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, dự kiến sẽ trình phê duyệt chủ trương và triển khai thực hiện giai đoạn đầu năm 2023 như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phức hợp; cáp treo Mường Phăng; dự án sân golf; các dự án đô thị...
Để thu hút đầu tư hiệu quả, thời gian tới tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy. Các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình xúc tiến thu hút đầu tư, chú trọng phân tích, đánh giá những tác động và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ để ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm thời gian giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động; cập nhật kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh. Các ngành, địa phương chủ động tiếp cận trực tiếp các nhà đầu tư chiến lược, các hiệp hội doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư.