ĐBP - Xác định thương mại giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, những năm qua tỉnh Điện Biên khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Nhờ đó, đến nay cơ sở hạ tầng thương mại có bước phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng.
Những năm qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, với nhiều chính sách ưu đãi như: Ưu tiên quỹ đất, ưu đãi về thuế, tín dụng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng... Bên cạnh các ưu đãi chung theo Luật Đầu tư, tỉnh đã có những cơ chế khuyến khích hỗ trợ các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế ngoài quốc doanh tham gia đầu tư khai thác lĩnh vực thương mại. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn... Nhờ đó nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn (Sun Group, Vingroup, Công ty Cổ phần Thương mại và xây dựng NQT Quảng Ninh...) đã nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào Điện Biên.
Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở thương mại TP. Điện Biên Phủ do Công ty TNHH Vận hành Vincom Retail, thuộc Tập đoàn Vingroup triển khai, quy mô hơn 13.500m2, trong đó diện tích Trung tâm thương mại hơn 4.300m2. Dự án nhằm mục tiêu tạo động lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa, hiện thực hóa quy hoạch xây dựng thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP. Điện Biên Phủ nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào sử dụng tháng 9/2023. Khi hoàn thành, dự án sẽ tạo ra một quần thể các công trình kiến trúc đẹp, điểm nhấn kiến trúc đô thị hiện đại; phục vụ nhu cầu nhà ở chất lượng cao, tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí.
Mới đây nhất (ngày 14/9), Công ty Cổ phần Thương mại và xây dựng NQT Quảng Ninh tổ chức lễ động thổ và bàn giao mặt bằng Dự án Chợ và Thương mại dịch vụ Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Dự án có quy mô thiết kế tiêu chuẩn chợ hạng 1, xây dựng đình chợ, các khu ki ốt, bãi đỗ xe, hệ thống đường giao thông nội thị, cây xanh... với diện tích hơn 1,8ha. Dự án có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025. Để hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành dự án trong quý IV/2022 (dự kiến), tỉnh chỉ đạo UBND thành phố phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong quá trình thi công dự án, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật dự án khớp nối với hạ tầng kỹ thuật khu vực; ký cam kết với nhà đầu tư và xây dựng kế hoạch cụ thể về tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan (Kế hoạch - Đầu tư; Tài chính; Xây dựng...) có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết kịp thời những công việc có liên quan đến dự án.
Với nhiều giải pháp năng động, linh hoạt trong việc định hướng phát triển thương mại, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại dần được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu người dân. Tính đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh đã thu hút và chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án, trong đó bao gồm các dự án lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tính đến nay toàn tỉnh có 38 chợ, 2 trung tâm thương mại, 3 siêu thị đạt tiêu chuẩn hạng III và 11 cơ sở hoạt động theo mô hình siêu thị và mạng lưới cửa hàng bán lẻ, thu mua nông - lâm sản phủ kín các vùng thành thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh đạt hơn 10.271 tỷ đồng, tăng 41,04% so với cùng kỳ năm trước.
Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân khoảng 11,09%. Đến năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 24.700 tỷ đồng. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại biên giới đồng bộ với phát triển cửa khẩu để đảm bảo các điều kiện của cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu song phương. Nâng cấp lối mở A Pa Chải (Việt Nam) - Long Phú (Trung Quốc) thành cặp cửa khẩu song phương để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư xây dựng tại lối mở, phát triển hoạt động giao thương với Trung Quốc.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về khuyến khích thu hút ưu đãi, đầu tư trong lĩnh vực thương mại; rà soát chính sách hiện có, bổ sung sửa đổi tạo cơ chế hấp dẫn các nhà đầu tư; bổ sung mở rộng danh mục các dự án ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ đầu tư. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các dự án nhằm thu hút ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh. Tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí để đầu tư, xây dựng chợ đầu mối, chợ nông thôn miền núi.
Bên cạnh đó, ưu tiên vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn như: Hệ thống chợ, nhất là chợ trung tâm cụm xã vùng nông thôn, chợ biên giới, chợ cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Huy động đầu tư từ các nguồn lực để nâng cấp, phát triển hệ thống chợ, đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị theo hướng hiện đại tại các địa bàn trọng điểm có đông dân cư và các đô thị. Đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh theo các phương thức kinh doanh tiên tiến, hiện đại như: trung tâm thương mại, siêu thị...