Kinh tếĐầu tư

Các huyện vùng cao khó thu hút đầu tư

10:31 - Thứ Sáu, 15/09/2023 Lượt xem: 6701 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác thu hút nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước vào địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn. Một số huyện thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn tìm hiểu, đầu tư, nhưng hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng, đô thị tại các huyện gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Một góc đô thị thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các huyện vùng cao đã triển khai nhiều giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước vào địa bàn. Ngoài việc ban hành nhiều chủ trương, các cơ chế về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các địa phương cũng tập trung rà soát, nghiên cứu và ưu tiên lựa chọn những ngành, lĩnh vực có thế mạnh để mời gọi, thu hút đầu tư. Ðến nay, một số địa phương đã thu hút được các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát như: Thủy điện (huyện Ðiện Biên Ðông); nông nghiệp (huyện Nậm Pồ, Mường Nhé); cây dược liệu (huyện Tuần Giáo)… Song công tác thu hút đầu tư chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của các địa phương, phần lớn các dự án có quy mô vừa và nhỏ, giá trị đầu tư thấp. Tiến độ thực hiện các dự án đang còn chậm, dang dở, số lượng các dự án đầu tư ít. Ðơn cử, toàn tỉnh thu hút được các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đầu tư vào 13 dự án trồng cây mắc ca, chủ yếu trên địa bàn huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông và đã được UBND được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 85.814ha, tổng số vốn đầu tư hơn 15.550 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí một số dự án chưa triển khai thực hiện. Do đó UBND tỉnh đã quyết định giảm 30.430ha các dự án trồng mắc ca. Thậm chí có dự án không triển khai đã ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tiêu biểu là Dự án Chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt của Công ty Cổ phần Chăn nuôi U Va tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo với mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dự án có quy mô 100.000 con bò, được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2016 - 2017 nuôi 30.000 con bò; giai đoạn 2 từ 2017 - 2018 tiếp tục phát triển thêm 70.000 con, thời gian đầu tư xây dựng từ tháng 6 - 9/2016. Ðể triển khai dự án, công ty đã mua hàng chục héc ta đất của hơn 290 hộ dân, song đến nay dự án vẫn còn đang nằm trên giấy.

Trên địa bàn huyện Tủa Chùa, mặc dù được đánh giá có tiềm năng về văn hóa, du lịch nhưng đến nay huyện chưa thu hút được nhà đầu tư ngoài Nhà nước vào lĩnh vực này. Thời gian qua, một số tập đoàn, công ty đã đến tìm hiểu khảo sát đầu tư về du lịch trên địa bàn, như: Tập đoàn Sun Group, Công ty Imtracom… song đến nay vẫn chưa có chuyển biến mới.

Nguyên nhân các huyện vùng cao khó thu hút đầu tư trước hết do kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, chủ yếu là địa hình đồi núi hiểm trở, hệ thống giao thông kết nối còn hạn chế. Các quy định của pháp luật về thủ tục, hồ sơ giấy tờ còn phức tạp. Bên cạnh đó, nguồn lao động của các huyện còn nhiều hạn chế, thiếu lao động có chuyên môn, phần lớn là lao động phổ thông, tay nghề thấp. Vì vậy, trong những năm qua, việc thu hút nguồn lực đầu tư chủ yếu tại khu vực TP. Ðiện Biên Phủ và các huyện có điều kiện giao thông, vị trí địa lý thuận lợi.

Ðể giải quyết những bất cập trên, nâng cao tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư ở các huyện miền núi, khai thác tối đa tiềm năng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, cần có cơ chế “khơi thông” phù hợp. Nhất là chính sách tín dụng, tiếp cận nguồn lực đất đai. Bên cạnh việc kêu gọi hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, các huyện cần chủ động trong việc nghiên cứu, bố trí ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp để nắm bắt những vướng mắc, khó khăn để có giải pháp tháo gỡ. Tăng cường đào tạo nghề nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top