Kinh tếĐầu tư

Vướng mặt bằng, nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ

09:22 - Thứ Hai, 02/10/2023 Lượt xem: 8944 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội và đô thị. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, trong đó có những công trình trọng điểm theo kế hoạch phải hoàn thành trước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/2024). Có nhiều nguyên nhân, song nguyên chính là giải phóng mặt bằng (GPMB) và công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, quyết liệt, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Hiện nay chỉ có dự án Cầu Thanh Bình cơ bản đảm bảo tiến độ. Trong ảnh: Ðội xe, máy Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 thi công dự án Cầu Thanh Bình.

Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm có tổng mức đầu tư hơn 981 tỷ đồng (vốn ODA); thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025. Dự án có tổng chiều dài hơn 14,5km, đi qua 4 xã huyện Ðiện Biên và 6 phường của TP. Ðiện Biên Phủ, với 643 hộ thuộc diện phải thu hồi đất. Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh (đơn vị chủ đầu tư), hiện nay ngoài 2 gói thầu số 6, 7 (xây kè từ Bom La và các công trình trên tuyến; xây lắp, nạo vét, thanh thải lòng sông từ cầu C4 đến cầu C9) đã khởi công thì các gói thầu khác của dự án vẫn vướng mắc về công tác GPMB.

Dự án chậm do việc xác minh nguồn gốc đất gặp khó khăn, khu vực GPMB nằm ở ven sông suối, nguồn gốc đất có sự tranh chấp; người dân mua bán chỉ có giấy viết tay, mua bán nhiều lần nên rất khó xác minh chủ sở hữu đất. Bên cạnh đó, 45 hộ dân thôn Bãi Màu, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) không đồng ý với đơn giá bồi thường GPMB; không đồng ý cho thu hồi khu đổ thải công trình; không muốn nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB mà muốn phương án đất đổi đất. Trong khi đó, theo yêu cầu của cơ quan phát triển Pháp AFD (cơ quan viện trợ nguồn vốn), trước khi cho lệnh khởi công yêu cầu phải có mặt bằng sạch và báo cáo về kế hoạch hành động GPMB và tái định cư, kèm theo kế hoạch quản lý môi trường và xã hội do nhà thầu xây lắp lập.

Dự án Ðường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 (dự án Ðường động lực), sau 20 tháng từ ngày phát lệnh khởi công (tháng 1/2022) đến nay nhiều gói thầu vẫn chưa thể thi công vì không thể GPMB. Theo kế hoạch, thời hạn thi công dự án chỉ còn hơn 1 năm là phải hoàn thành (2021 - 2024). Ðến hết ngày 25/8 khối lượng thi công dự án mới đạt 29,3%, chủ yếu là thi công xong 3 cầu vượt sông Nậm Rốm và một phần nền đường, công trình thoát nước tuyến chính, tuyến nhánh. Từ tháng 6/2023 đến nay gần như không thể thi công được phần việc nào thuộc dự án vì thiếu mặt bằng.

Lý do chủ yếu là nhiều trường hợp phải điều chỉnh lại tên sử dụng đất, ranh giới, diện tích các thửa đất. Công tác xác minh nguồn gốc đất trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ rất khó khăn do lịch sử quản lý đất đai để lại. Do vậy, khi triển khai hoàn thiện hồ sơ đất đai và thực hiện theo đúng quy chế của UBND thành phố thì gặp nhiều vướng mắc, tốn rất nhiều thời gian, dẫn đến tiến độ lập phương án rất chậm. Cùng đó, khó khăn đối với diện tích trùng lặp giữa dự án Ðường Tây lòng chảo (đã quyết toán) với tuyến chính Dự án Ðường động lực.

Ðây chỉ là 2 trong số hàng loạt dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ. Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, hiện nay toàn tỉnh đang triển khai 11 dự án trọng điểm về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và 26 dự án phát triển nhà ở đô thị, các khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Riêng tổng mức đầu tư của 11 dự án về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là hơn 3.439 tỷ đồng. Trong số đó, dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm có thời gian thực hiện đến năm 2025; 7 dự án có thời gian thực hiện đến năm 2024 và 3 dự án phải hoàn thành trong năm 2023. Tuy nhiên, đến hết tháng 8/2023, chỉ có Dự án xây dựng cầu Thanh Bình cơ bản đảm bảo tiến độ, khối lượng thi công đạt khoảng 84% giá trị hợp đồng, còn lại các dự án đều chậm tiến độ do vướng mặt bằng.

Bên cạnh nguyên nhân do vướng mặt bằng, thì công tác phối hợp thực hiện giữa các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt; trách nhiệm chưa cao. Ðơn cử như Dự án Ðường động lực trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, ngày 10/8/2023, chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ của 29/34 hộ dân và đã chuyển về Trung tâm Quản lý đất đai thành phố trình thẩm định, điều chỉnh thông báo thu hồi đất. Tuy nhiên sau 20 ngày, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố vẫn chưa thẩm định xong để trình thành phố phê duyệt.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top