Kinh tếĐầu tư

Chậm giải ngân vốn đầu tư công

09:56 - Chủ Nhật, 08/10/2023 Lượt xem: 10468 In bài viết

ĐBP - Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2023, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến các dự án không thể triển khai thi công và giải ngân vốn. Nếu không có giải pháp quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì việc giải ngân vốn đầu tư công không hoàn thành mục tiêu đề ra.

Dự án đường tránh sân bay nối từ đường đi xã Thanh Hưng và xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn.

Năm 2023, vốn kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh được giao hơn 4.624 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách địa phương gần 1.300 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương hơn 2.148 tỷ đồng; vốn để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia hơn 1.176 tỷ đồng. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được thực hiện thường xuyên, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn rất chậm. Tính đến hết tháng 8/2023, tỷ lệ giải ngân đạt 37,4% (thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước là 39,6%). Trong đó có 17/38 đơn vị có tỷ lệ giải ngân ở mức dưới trung bình của tỉnh; có những đơn vị chủ đầu tư còn chưa thực hiện giải ngân.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, bên cạnh nguyên nhân khách quan thì chủ yếu do năng lực lập kế hoạch, kiểm soát hồ sơ dự án, tổ chức triển khai thực hiện tại một số đơn vị còn bất cập; nhiều đơn vị chưa quyết liệt dẫn tới việc hoàn thiện thủ tục đầu tư chậm, không đảm bảo điều kiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 trước ngày 31/12/2022. Công tác báo cáo tình hình thực hiện, khó khăn vướng mắc của các dự án của nhiều chủ đầu tư chưa được coi trọng, chưa kịp thời, dẫn đến nhiều tồn tại liên quan đến công tác hoàn thiện thủ tục của một số dự án rất chậm. Công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành chưa được các chủ đầu tư, đơn vị thi công ưu tiên bố trí nhân lực thực hiện.

Sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương chưa hiệu quả. Ðặc biệt, nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, nhất là tại các dự án trọng điểm, dự án có quy mô lớn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ triệt để như: Dự án Ðường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12; Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm…

Chỉ tính riêng các dự án trọng điểm của tỉnh, hiện nay có 11 dự án về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và 26 dự án phát triển nhà ở đô thị, các khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Song hầu hết các dự án chậm tiến độ vì lý do vướng mặt bằng. Chính vì vậy, nhiều dự án khởi công, thi công và phải tạm dừng, thiếu mặt bằng khiến dự án chậm tiến độ. Ðơn cử, dự án Ðường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 chưa thể đồng loạt triển khai. Dự án bao gồm 11 gói thầu xây lắp, hiện nay khối lượng thi công đạt 29,3%. Ðặc biệt tại các gói thầu số 4, 5, 6 (tuyến NT2+NT3+NT4+NT5 trong khu vực trung tâm hành chính chính trị tỉnh và tuyến NT6 Pom La) và gói thầu số 7 chưa có mặt bằng thi công; một số gói thầu khác có mặt bằng nhưng ít, ngắt quãng dẫn đến khó thi công. Từ tháng 6 đến nay, dự án không triển khai thi công được do chưa giải phóng mặt bằng. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân tính đến hết tháng 8 năm 2023 mới đạt hơn 56,6 tỷ đồng (đạt 27,2%).

Ðể phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95%, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung hoàn thiện chính sách tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án, đặc biệt trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Phân công cụ thể lãnh đạo kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ; kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết, kiên quyết loại các nhà thầu không có năng lực.

Ðối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư để sớm khởi công 3 dự án lĩnh vực y tế thuộc Chương trình đã được phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, phấn đấu giải ngân 100% số vốn được bố trí. Chủ động nắm bắt thông tin từ các cơ quan Trung ương về công tác giao dự toán, phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 để thực hiện dự án thuộc lĩnh vực lao động xã hội, kịp thời giao kế hoạch vốn và triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ yêu cầu của chương trình. Ðối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chủ động rà soát về cơ chế chính sách mới được trung ương ban hành, kịp thời ban hành các chính sách theo thẩm quyền của tỉnh (nếu có). Khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới để đảm bảo đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn năm 2024 theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung, chính sách của chương trình; kịp thời chỉ đạo xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh và đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top