ĐBP - Xác định giao thông “đi trước mở đường”, những năm qua, huyện Mường Nhé chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, tăng cường kết nối giữa các địa phương trong toàn huyện. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Ðầu tháng 8 vừa qua, cầu Nậm Nhé II, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé (tại Km135+850, quốc lộ 4H từ Mường Chà đi Mường Nhé) bị thiệt hại, hư hỏng nặng nề, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, buộc phải tạm dừng lưu thông qua cầu. Ðiều đáng nói, cây cầu Nậm Nhé II nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối huyện biên viễn cực Tây với các địa phương khác trong tỉnh. Dù huyện Mường Nhé đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở tuyến tránh qua xã Nậm Vì nhưng giao thông vào huyện Mường Nhé lúc này vẫn tương đối khó khăn dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa, hành khách không thể thuận lợi như trước. Thậm chí, nhiều phương tiện vận tải hàng hóa phải chấp nhận đi đường vòng khi di chuyển sang huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nhất là với các mặt hàng không thể “tăng bo” qua suối hoặc cầu tạm. Và tất nhiên cước vận tải sẽ tăng, nhiều mặt hàng cũng sẽ khó được cung ứng đầy đủ, kịp thời như trước. Ðây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho lượng du khách đến với Mường Nhé dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua không đạt như kỳ vọng do tâm lý e ngại giao thông khó khăn khi đi qua khu vực cầu Nậm Nhé II. Phải đến trung tuần tháng 9, khi cây cầu tạm hoàn thiện, giao thông qua tuyến đường huyết mạch này của huyện Mường Nhé mới cơ bản ổn định trở lại…
Ðó chỉ là một trong nhiều ví dụ cho việc giao thông ảnh hưởng lớn tới việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là với huyện biên giới đặc biệt khó khăn như Mường Nhé. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện Mường Nhé luôn xác định giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, là tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Hàng năm, huyện tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư của Nhà nước; đồng thời, vận động người dân cùng chung tay đóng góp các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trục đường, tuyến đường liên bản, liên xã. Cùng với đó, huyện tổ chức triển khai thực hiện công tác duy tu, bảo trì kịp thời các tuyến đường, đảm bảo chất lượng thi công các công trình giao thông được đầu tư. Nhờ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thương, phục vụ phát triển sản xuất của người dân trên địa bàn. Ðến nay, huyện Mường Nhé có 275km tuyến đường huyện xã với 97,6km được rải nhựa và bê tông, 61 bản có đường ô tô đến bản được kiên cố. Toàn huyện 11/11 xã thuộc huyện đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 7/11 xã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn mới...
Trong năm 2022, tuyến đường Nậm Vì - Nậm Sin dài trên 11km nối xã Chung Chải với xã Nậm Vì, thông ra quốc lộ 4H về trung tâm huyện được hoàn thành đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của cả hai địa phương. Không chỉ vậy, tuyến đường này hoàn thành còn góp phần phá vỡ thế độc đạo làm cản bước phát triển của xã Nậm Vì. Ông Giàng A Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Vì chia sẻ: “Trước đây khi chưa có tuyến đường này, người dân trong xã đi lại rất khó khăn. Nhất là bà con ở các bản Huổi Lốm, Van Hồ, Cây Sổ muốn đi về trung tâm xã hoặc đi ra huyện đều phải đi theo con đường nhỏ men theo suối Nậm Vì. Vào mùa mưa lũ rất nguy hiểm. Ðến nay có tuyến đường bê tông mới, ô tô lớn cũng có thể đi được. Vì thế nông sản làm ra cũng có thể chở xe máy ra trung tâm huyện. Hơn nữa, tuyến đường này hoàn thành giúp 2 xã Nậm Vì - Chung Chải có thể kết nối giao thương thuận tiện hơn thay vì tuyến đường nhỏ như trước đây...”.
Không chỉ tuyến đường Nậm Vì - Nậm Sin, trong năm 2022, tuyến đường nối Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ với chiều dài trên 21km được mở mới phục vụ 980 hộ, với trên 5.000 nhân khẩu được hưởng lợi. Ông Phạm Mỹ Nam, Chủ tịch UBND xã Pá Mỳ cho biết: Có tuyến đường này người dân Pá Mỳ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Ðầu tiên là có tuyến đường kết nối giữa các bản trong xã với nhau. Tuyến đường cũng kết nối được 5/10 bản có đường ô tô. Sau đó là kết nối giữa xã Pá Mỳ với xã Quảng Lâm, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, thuận lợi cho các hộ kinh doanh thông thương, giao lưu hàng hóa. Có tuyến đường này cũng là một trong các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới về phát triển kinh tế hạ tầng trong địa bàn xã Pá Mỳ...
Thời gian tới, huyện Mường Nhé tiếp tục quan tâm phát triển mạng lưới giao thông, tăng mật độ kết nối, chiều dài tuyến và chất lượng giao thông đường bộ. Ðồng thời, tập trung nâng cấp, đầu tư mở rộng một số tuyến đường phục vụ khai thác tiềm năng của huyện, đặc biệt là phát triển dịch vụ thương mại, du lịch...