Kinh tếĐầu tư

Vấn đề kỳ này

Gỡ “nút thắt” đầu tư công

10:40 - Thứ Năm, 30/11/2023 Lượt xem: 2711 In bài viết

ĐBP - Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.624,531 tỷ đồng. Bao gồm vốn ngân sách địa phương 1.299,619 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương 2.148,294 tỷ đồng, còn lại là vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Mạnh Quân thi công gói thầu số 4, Dự án Đường động lực. Ảnh: Phạm Trung

Xác định, vốn đầu tư công là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Phân bổ vốn kịp thời, đúng quy trình, hạn mức; đôn đốc tiến độ giải ngân, thanh toán, giám sát chặt chẽ, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích là yêu cầu bắt buộc của tỉnh đối với các sở, ngành, các chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư và chính quyền cấp huyện.

Giải ngân, thanh toán vốn đầu tư công kịp thời, đảm bảo kế hoạch, như là “mạch máu” nuôi cơ thế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP, nguồn thu ngân sách địa phương theo đó tăng lên, giúp tỉnh có thêm nguồn lực tái đầu tư cho kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội...

Vậy nhưng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 11 vẫn rất chậm, chưa đạt kỳ vọng. Hiện mới đạt 49,8% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 50,38%, vốn ngân sách Trung ương đạt 45,93%, vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt 47,39%, thanh toán vốn kế hoạch kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 đạt 53,99%.

Không riêng năm 2023 mà nhiều năm nay, việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh thường rất chậm. Đầu năm đủng đỉnh, cuối năm gấp gáp tập trung giải ngân, quyết toán, đã ảnh hưởng đến tiến độ các chương trình, dự án; nhà thầu thì không có vốn thi công, trả lương công nhân...

Khắc phục tình trạng này, năm nay, UBND tỉnh đã nhiều lần họp bàn, điều chỉnh kế hoạch vốn, ban hành chỉ thị tập trung đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95%. Cụ thể, đến hết quý II đạt tối thiểu 50%, hết quý III đạt trên 70%, đến hết quý IV đạt trên 90% (riêng kế hoạch vốn năm 2022 được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2023 đạt 100%) và đến hết 31/1/2024 giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2023.

Mục tiêu là vậy, nhưng thực tế thì ngược lại. Nguyên nhân, một số dự án được Thủ tưởng Chính phủ giao vốn chậm, dẫn tới nhiều hệ luỵ, bất cập. Điều kiện tự nhiên, khí hậu Điện Biên mưa nhiều tháng, giao thông cách trở... dẫn tới tiến độ triển khai các chương trình, thi công dự án chậm, không có khối lượng giải ngân, thanh toán.

Bên cạnh nguyên nhân nói trên thì yếu tố chủ quan đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đó là năng lực lập kế hoạch, kiểm soát hồ sơ dự án, tổ chức triển khai thực hiện tại một số đơn vị còn nhiều bất cập, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành chưa được các chủ đầu tư, đơn vị thi công ưu tiên bố trí nhân lực thực hiện. Sự phối hợp giữa các đơn vị được giao chủ đầu tư với các cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương có dự án đầu tư trên địa bàn có nơi, có lúc chưa nhịp nhàng, hiệu quả, nhất là khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Hiện tại, cơ bản các dự án trọng điểm, cấp bách trên địa bàn tỉnh đều chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Có những dự án nhiều năm nay không bố trí đủ mặt bằng cho nhà thầu thi công. Nguyên nhân, có cán bộ thiếu quyết liệt, đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1513/QĐ-TTg về giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023. Thủ tướng yêu cầu “tỷ lệ giải ngân của các cơ quan, đơn vị, đến hết niên độ ngân sách năm 2023 không đạt tối thiểu 90% kế hoạch được giao sẽ là một trong các tiêu chí để xem xét, đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Việc không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp là một trong các trường hợp để xem xét, miễn nhiệm cán bộ theo quy định tại Quyết định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương”.

Cái “gậy” quan trọng nhất, của cấp cao nhất từ Trung ương đã có. Áp dụng vào từng vị trí, chức vụ cán bộ, công chức, đảng viên; cơ quan, đơn vị; từng chương trình, dự án... nếu là yếu tố chủ quan dẫn tới chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, quyền lợi người dân thì cần xử lý nghiêm. Quy định, căn cứ pháp lý đã ban hành, nếu không thực hiện “thẳng mực tàu” sẽ dẫn tới “nhờn luật”, làm mất lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top