Kinh tếĐầu tư

Giải ngân vốn đầu tư công cao kỷ lục

09:14 - Thứ Năm, 11/01/2024 Lượt xem: 10010 In bài viết

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 dự kiến đạt 95% kế hoạch, tương đương gần 676 nghìn tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, đầu tư công cũng được cơ cấu lại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có tính lan tỏa cao, tạo động lực phát triển, liên kết vùng.

Các đơn vị thi công dự án thành phần 3 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. (Ảnh DUY LINH)

Trong khó khăn chung của tình hình kinh tế-xã hội năm 2023, động lực đầu tư công tiếp tục phát huy sức mạnh khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước có chuyển biến mạnh mẽ từ đầu quý II, qua đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần tạo động lực tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Tăng tốc “về đích”

Nhận định về các động lực tăng trưởng kinh tế của năm 2023, TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đầu tư công vẫn “gánh” vai trò chủ đạo trong khi các động lực truyền thống khác như xuất khẩu đang yếu đi và tiêu dùng không còn tăng trưởng bứt phá như giai đoạn kết thúc đại dịch Covid-19.

“Ðầu tư công trong giai đoạn hiện nay tập trung nguồn lực vào các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước. Quốc hội đã ban hành nghị quyết đặc thù để triển khai các dự án xây dựng đường bộ cao tốc trải dài từ miền núi phía bắc đến mũi Cà Mau, tạo điều kiện cho các vùng, miền đều có đường cao tốc. Ðó chính là nét khác biệt rất tích cực và là điểm nhấn của nhiệm kỳ 2021-2025 cũng như của năm 2023”.

TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Dấu ấn đặc biệt trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được ghi nhận qua những đóng góp quan trọng vào xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn. Cụ thể, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 475 km đường cao tốc, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892 km; đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc-Nam, ba cao tốc trục Ðông-Tây, hai đường vành đai…

Trong lĩnh vực hàng không, hoàn thành đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Phú Bài, Ðiện Biên; xử lý quyết liệt, dứt điểm vướng mắc để khởi công nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Nhắc đến các điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương tin tưởng rằng, với tiến độ công việc đang được tăng tốc thực hiện ở giai đoạn nước rút, dự kiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả năm đạt khoảng 95% kế hoạch như mục tiêu phấn đấu của Chính phủ. Tỷ lệ giải ngân này cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 3,58% nhưng do kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được Quốc hội giao lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 711 nghìn tỷ đồng, cho nên khối lượng vốn giải ngân cả năm ước cao hơn khoảng 142.560 tỷ đồng so với cùng kỳ. Như vậy đã có một lượng vốn lớn đưa vào nền kinh tế, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Ðáng lưu ý, nhiệm vụ cơ cấu lại đầu tư công tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn ngay từ đầu năm, thành lập 5 tổ công tác để thúc đẩy, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ giải ngân. Công tác cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, công trình quan trọng quốc gia.

Động lực chính cho tăng trưởng

Xác định đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế bứt phá, căn cứ dự toán được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1603/QÐ-TTg ngày 11/12/2023 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương phân bổ kế hoạch đầu tư bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún, chia cắt, không để xảy ra tiêu cực, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định.

Vốn đầu tư công được ưu tiên phân bổ để thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản; bố trí đủ vốn để thu hồi số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024; vốn cho dự án chuyển tiếp phải hoàn thành năm 2024...

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; các dự án chuyển tiếp...

Cùng với đó là cần đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao; tỷ lệ giải ngân là một trong các tiêu chí quan trọng để xem xét đánh giá, xếp loại cuối năm đối với cán bộ, công chức.

Ðể triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024, yêu cầu đặt ra là tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, bài học thành công của năm 2023 và nhanh chóng khắc phục những bất cập, hạn chế đã được nhận diện. Theo bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), cần điều chỉnh ngay các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư công; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa; rút vốn nhà tài trợ... nhằm đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn ngoại tệ cho phát triển đất nước.

Trong khi đó, bài học kinh nghiệm được chia sẻ bởi một số lãnh đạo địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao là các khâu phân bổ vốn, giao vốn... phải được thực hiện sớm; đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm chủ đầu tư khi được giao quản lý dự án đầu tư, thực hiện nghiêm cơ chế giao ban định kỳ hằng quý để bám sát tiến độ giải ngân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và điều chỉnh vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án giải ngân tốt hơn.

Theo tính toán, khi giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP tăng thêm 0,058%; giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài nhà nước, góp phần kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Với lượng vốn lớn đưa vào nền kinh tế trong năm 2023, đầu tư công đã phát huy vai trò là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng GDP, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 là hơn 579.848 tỷ đồng, đạt hơn 73% kế hoạch và đạt hơn 81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (mức giải ngân của cùng kỳ năm 2022 tương ứng đạt lần lượt hơn 67% và hơn 75%). Trong đó, giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là 72.686 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, các tỉnh Quảng Ngãi, Long An, Ðồng Tháp, Cà Mau.

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Theo NDĐT
Bình luận
Back To Top