Kinh tếĐiện & đời sống

Cần giải pháp ngăn ngừa ảnh hưởng của giá điện tăng

08:26 - Thứ Tư, 14/06/2023 Lượt xem: 2758 In bài viết

ĐBP - Mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% đã và đang tác động khiến hàng hóa thiết yếu thiết lập mặt bằng giá cả mới và có thể dẫn đến áp lực gia tăng đối với lạm phát. Do điện được dùng trong hầu hết các hoạt động sản xuất và tiêu dùng nên việc tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí thành phẩm, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm và chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

Chị Nguyễn Thị Liên, tổ 10, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ rà soát hóa đơn tiền điện hàng tháng.

Đầu tháng 5/2023, sau 4 năm không tăng giá, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức 1.864,4 đồng/kWh (chưa gồm VAT) lên 1.920,3 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tăng thêm 55,9 đồng/kWh (tương ứng 3%). Dù ngành Điện cho biết mức điều chỉnh trên không tác động nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng, không ảnh hưởng mạnh đến người dân song thực tế việc tăng giá điện ít nhiều ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp và đời sống người dân. Trong khi đó, thực tế hiện nay hầu hết các ngành nghề sản xuất đều sử dụng điện làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất, kinh doanh. Theo tính toán, chi phí điện chiếm từ 9 - 10% giá vốn hàng bán (chi phí mua hoặc sản xuất các sản phẩm bán trong một thời kỳ) của doanh nghiệp sản xuất.

Là doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực như: Sản xuất clinker, xi măng, bê tông thương phẩm, cấu kiện bê tông đúc sẵn với nhiều máy móc, trang thiết bị được vận hành cần nguồn điện. Trong đó, dây chuyền sản xuất xi măng là lĩnh vực “ngốn” điện nhiều nhất với khoảng 14 - 15% chi phí. Ước tính, giá điện tăng 3% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, khiến tổng lợi nhuận trước thuế giảm theo. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chuyển chi phí điện tăng sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc tăng giá thành sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, thì trước mắt Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên chú trọng các giải pháp tiết kiệm điện, cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại giá thành cho hợp lý.

Không chỉ với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất mà hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh cũng chịu nhiều áp lực chi phí sinh hoạt tăng theo, từ đó bắt buộc giảm tiêu dùng thường xuyên. Chị Nguyễn Thị Liên, tổ 10, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Với khung giá mới và cách tính lũy tiến, hầu như hóa đơn tiền điện vài tháng gần đây của gia đình tôi đều tăng từ 10 - 30%. Nếu trước đây (thời điểm chưa tăng giá điện), gia đình tôi phải trả từ 200 - 300 nghìn đồng tiền điện/tháng. Thì sau khi tăng giá điện, gia đình phải trả hóa đơn tiền tiện từ 400 - 600 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, tôi cũng lo lắng khi giá điện tăng thì giá thực phẩm, hàng hóa cũng sẽ tăng theo.

Thực tế, để bù đắp, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp ngành Điện và tái đầu tư thì việc tăng giá điện vừa qua được cho là việc không thể trì hoãn và khó tránh khỏi. Tăng giá điện sẽ gây áp lực khá lớn đến việc kiềm chế lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của các ngành chức năng, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%. Còn giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%. Việc tăng giá điện đang đặt các cơ quan quản lý vào thế khó trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Khi đã điều chỉnh giá điện, buộc các tổ chức kinh tế và hộ gia đình phải điều chỉnh, cơ cấu lại chi phí, thực hành tiết kiệm điện, cùng chia sẻ khó khăn với ngành Điện. Bởi vậy, về lâu dài tỉnh ta cần thúc đẩy nhanh các chính sách về năng lượng tái tạo, tăng tỷ trọng điện thương phẩm từ điện mặt trời áp mái. Đây là giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp cũng như người dân chủ động sử dụng nguồn điện năng tái tạo. Đồng thời, triển khai những giải pháp tổng thể để kiểm soát, bình ổn mặt bằng giá, ngăn ngừa tác động của việc điều chỉnh giá điện đến thị trường; đặc biệt là đối với hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, tránh tình trạng lợi dụng việc tăng giá điện để đẩy giá, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top