Kinh tếĐiện & đời sống

Xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia

Bài 3: Quyết tâm hoàn thành mục tiêu

09:41 - Thứ Sáu, 01/09/2023 Lượt xem: 4117 In bài viết

ĐBP - Thực hiện nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh và Chương trình “Bừng sáng Ðiện Biên” hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, nhiều huyện đã đưa chỉ tiêu xóa bản “trắng” điện lưới vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các sở, ngành, đơn vị liên quan cũng không ngừng nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực; trong đó chú trọng vùng đặc biệt khó khăn, trọng yếu về quốc phòng an ninh. Mỗi dự án đóng điện thành công và đưa vào sử dụng đã góp phần tiến gần hơn mục tiêu xóa hoàn toàn bản “trắng” điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Ðược sử dụng điện lưới quốc gia, việc học tập của trẻ em bản Pá Chuông - Pá Dên, xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) thuận lợi hơn.

Chú trọng vùng khó khăn, trọng yếu

Lật giở từng trang giấy thống kê, ông Trần Ðức Dũng, Giám đốc Công ty Ðiện lực Ðiện Biên không khỏi băn khoăn trước thực tế hiện nay: Các hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia thuộc các huyện Ðiện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, đều là địa bàn biên giới với tình hình phức tạp. Ở những địa bàn này, còn 23 thôn, bản với tổng số 1.146 hộ thuộc 15 xã biên giới và xã đặc biệt khó khăn, khu vực trọng yếu về quốc phòng an ninh. Trong đó, có 1 bản, 35 hộ của xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) thuộc xã biên giới; 22 bản còn lại với 1.111 hộ thuộc khu vực đặc biệt khó khăn và trọng yếu về quốc phòng an ninh, chưa có nguồn vốn để đầu tư cấp điện cho dân. Ngoài ra, còn 1.211 hộ (thuộc 60 thôn, bản của 30 xã trên địa bàn 8 huyện) chưa được đầu tư cấp điện do nằm rải rác, cách xa lưới điện hiện hữu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác tại tỉnh Ðiện Biên (4/2023), tháng 7/2023 Công ty Ðiện lực Ðiện Biên đã khẩn trương xây dựng phương án cấp điện cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn và trọng yếu về quốc phòng an ninh.

Ông Trần Ðức Dũng, Giám đốc Công ty Ðiện lực Ðiện Biên cho biết: Bên cạnh mục tiêu đảm bảo cung cấp lưới điện an toàn, ổn định, Công ty đã và đang tập trung mọi nguồn lực, phối hợp với các bên liên quan đưa điện về với các thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ðồng thời, chủ động kiểm tra, khắc phục khiếm khuyết hệ thống truyền tải điện. Ðối với dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, phương án cấp điện được Công ty xây dựng có tổng mức đầu tư trên 194 tỷ đồng. Quy mô gồm: Ðường dây trung áp dài 126,7km; 23 trạm biến áp với tổng công suất 1.225kVA; đường dây hạ áp dài 39,1km; 1.146 hộ dân được cấp điện mới; nguồn vốn từ Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam. Dự án cấp điện cho các hộ chưa được sử dụng điện tại các thôn bản đã có điện lưới quốc gia có tổng mức đầu tư trên 156 tỷ đồng. Quy mô gồm: Ðường dây trung áp dài 50,8km; xây dựng mới 15 trạm biến áp với tổng công suất 800kVA; đường dây hạ áp dài 143,4km; 1.211 hộ dân được cấp điện mới, nguồn vốn từ Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam. Những nơi tập trung nhiều hộ dân, sử dụng lắp đặt các trạm biến áp riêng đấu nối vào lưới điện hiện hữu; các bản còn lại có số lượng hộ dân ít thì thực hiện phát triển khách hàng mới và đầu tư cải tạo nâng cấp đường dây, trạm biến áp hiện hữu để cấp điện. Ðối với dự án cấp điện cho các khu vực đặc biệt khó khăn, trọng yếu về quốc phòng - an ninh, Công ty đề nghị UBND tỉnh phối hợp thực hiện đầu tư từ sau công tơ tới nơi tiêu thụ và bàn giao tài sản cho khách hàng sử dụng điện với tổng mức đầu tư hơn 3 tỉ đồng. Ðồng thời, tạo điều kiện ưu tiên quỹ đất, hỗ trợ, phối hợp trong triển khai và thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chỉ đạo các địa phương phối hợp tạo điều kiện trong công tác triển khai dự án.

Ða dạng các nguồn lực

Là đơn vị chủ đầu tư dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia của tỉnh, Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện.

Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Ðến hết năm 2025 có trên 98% số hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia và thực hiện Chương trình “Bừng sáng Ðiện Biên” hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Sở đã rà soát lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ðồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, thông báo chủ trương đầu tư xây dựng dự án đến Nhân dân nhằm tạo sự đồng tình, ủng hộ trong quá trình thực hiện; đảm bảo tiến độ chung của các dự án, mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 và các năm tiếp theo. Trong giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách địa phương bố trí cho dự án 152,19 tỉ đồng. Song để chủ động hơn trong quá trình thực hiện dự án, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Sở Công Thương đề nghị tỉnh cân đối bố trí thêm nguồn ngân sách địa phương cho dự án khoảng 200 tỉ đồng trong giai đoạn 2023 - 2025.

Ðể đạt mục tiêu 9.066 hộ dân sẽ được cấp mới điện lưới, tỉnh ta cần tổng mức đầu tư khoảng 2.128 tỉ đồng. Song đến nay, mới có nguồn ngân sách địa phương để thực hiện cho dự án là 152,19 tỉ đồng (đạt 7% so với nhu cầu nguồn vốn của dự án), còn thiếu gần 2.000 tỉ đồng (số liệu do đơn vị tư vấn lập). Do đó, để huy động được nguồn vốn còn lại, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, UBND tỉnh đã làm việc thống nhất với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, các cơ quan có liên quan bố trí nguồn vốn ODA (KOICA của Hàn Quốc, JICA Nhật Bản), nguồn vốn ADB và nguồn vốn của Tập Ðoàn Ðiện lực Việt Nam để thực hiện dự án. Ngoài những nguồn vốn trên, thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương và cơ quan liên quan huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện. Kỳ vọng với các giải pháp phù hợp, cách làm linh hoạt, Ðiện Biên sẽ sớm xóa hoàn toàn các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top