Kinh tếĐiện & đời sống

Phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động

10:41 - Thứ Sáu, 15/09/2023 Lượt xem: 4741 In bài viết

ĐBP - Nhận thức vai trò quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) nói chung, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nói riêng; thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chú trọng cải thiện môi trường làm việc, thực hiện tốt công tác bảo hộ, từng bước xây dựng văn hóa về an toàn lao động. Từ đó, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động.

Công ty Ðiện lực Ðiện Biên tổ chức diễn tập phương án phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ, an toàn, xử lý sự cố năm 2023.

Tại Công ty Ðiện lực Ðiện Biên, nhằm đảm bảo ATVSLÐ, Công ty đã đề ra nhiều giải pháp như thành lập Hội đồng ATVSLÐ, thiết lập mạng lưới an toàn ở các bộ phận sản xuất, kinh doanh; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên… Hàng năm, Công ty đều tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; diễn tập sự cố và diễn tập an toàn. Cùng với đó, trang bị kiến thức, kinh nghiệm, các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLÐ, giúp công nhân viên nhận thức rõ những nguy hiểm, có giải pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện. Nhờ đó, hạn chế nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo lãnh đạo Công ty Ðiện lực Ðiện Biên, với tính chất công việc phải tiếp xúc trực tiếp với điện, làm việc trong điều kiện trên cao, làm việc ban đêm... nên nhân viên ngành Ðiện luôn phải đối diện với nguy hiểm để bảo đảm an toàn lưới điện, nhanh chóng khắc phục sự cố về điện. Ðể bảo đảm an toàn cho công nhân viên, đơn vị luôn quan tâm nâng cao nghiệp vụ và trang bị thêm những thiết bị bảo hộ an toàn lao động, nhằm giảm thiểu tình huống đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, trước khi ra hiện trường, đơn vị quán triệt các nhóm công tác phải kiểm tra lại sự đầy đủ, chính xác của tất cả các nội dung trong phiếu công tác, lệnh công tác, phiếu giao nhiệm vụ. Nhiệm vụ công tác, trình tự thực hiện biện pháp an toàn, biện pháp kỹ thuật thi công, biện pháp tổ chức và kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn cũng được phổ biến đầy đủ.

Thiết thực triển khai các giải pháp về ATVSLÐ phù hợp với tình hình thực tế, Tháng Hành động về ATVSLÐ năm nay được tổ chức với các hình thức đa dạng, phong phú. Các hoạt động được triển khai đồng bộ, bài bản nhằm hưởng ứng chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. Qua đó, góp phần cải thiện điều kiện làm việc ATVSLÐ trong các doanh nghiệp, cơ sở; triển khai các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm lo và bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người lao động vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.

Công tác quản lý vệ sinh lao động, cải thiện môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động cũng được các đơn vị, doanh nghiệp chú trọng thực hiện. Một số doanh nghiệp chủ động phối hợp với cơ quan y tế tiến hành đo kiểm tra môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, góp phần kiểm soát được bệnh nghề nghiệp và nâng cao sức khỏe cho người lao động. Trong năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện quan trắc môi trường lao động cho 21 đơn vị y tế và doanh nghiệp. Với tổng số mẫu đo được là 6.675 mẫu, trong đó 6.117 mẫu đạt (chiếm 91,7%). 14 đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trên 3.000 cán bộ, nhân viên y tế và người lao động. Sau khi khám sức khỏe, các đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động bố trí cho người lao động nghỉ ngơi, dưỡng sức để phục hồi sức khỏe, đồng thời căn cứ kết quả khám để sắp xếp, bố trí công việc cho phù hợp.

Xác định người lao động là nguồn lực quan trọng, tài sản quý giá của doanh nghiệp. Quan tâm đầu tư, thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo ATVSLÐ chính là đầu tư vì sự ổn định và bền vững của doanh nghiệp.

 Trong thời gian tới, nhằm thực thi có hiệu lực, hiệu quả công tác ATVSLÐ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLÐ tại nơi làm việc cho người lao động và người sử dụng lao động. Thực hiện chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả lao động tại nơi làm việc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định về ATVSLÐ; các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch bảo hộ lao động; kiên quyết xử lý nghiêm và công khai các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLÐ.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top