Kinh tếĐiện & đời sống

Ðổi thay nhờ có điện

08:53 - Thứ Năm, 19/10/2023 Lượt xem: 3357 In bài viết

ĐBP - Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, việc đầu tư điện lưới quốc gia gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, chia cách, dân cư sinh sống không tập trung. Nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, hệ thống điện lưới quốc gia đang dần được kéo đến các thôn, bản xa xôi nhất trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên. Ðiện lưới đã thắp sáng các bản vùng cao, vùng sâu, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc.

Nhân viên điện lực hướng dẫn người dân bản Huổi Hoa A, xã Keo Lôm (huyện Ðiện Biên Ðông) sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Từ năm 2021 trở về trước, gần 200 hộ dân ở 4 bản: Huổi Ðiết, Huổi Sáy, Nậm Piền, Nậm Cang của xã Mường Tùng (huyện Mường Chà) gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi khi chưa có điện. Nhà nào cũng chỉ có đèn dầu thắp sáng ban đêm, sinh hoạt của bà con khá tĩnh lặng. Những gia đình có điều kiện hơn thì đầu tư máy phát điện mini chạy bằng sức nước, nhưng điện chập chờn, phụ thuộc vào nguồn nước. Từ năm 2022, mọi thứ đã khác khi điện lưới quốc gia đưa đến từng nhà. Cuộc sống của các hộ dân trong bản dường như bước sang trang mới. Có điện lưới quốc gia, từ các thiết bị sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện... đến máy móc phục vụ sản xuất, sơ chế sản phẩm nông nghiệp đã được người dân mua sắm.

Ðược sử dụng điện lưới quốc gia, chị Chang Thị Dính, bản Huổi Ðiết, xã Mường Tùng rất vui mừng. Chị Dính cho biết: Nhiều năm qua, gia đình tôi dùng đèn dầu thắp sáng, nay có điện lưới quốc gia thì vui lắm! Chúng tôi được xem truyền hình, có quạt điện. Trong bản có nhiều hộ đã mua máy xát, máy thái rau nữa.

Bản Hô Củng và bản Huổi Anh, xã Chà Tở (huyện Nậm Pồ) là 2 trong số những bản đặc biệt khó khăn. Trước đây, vì địa hình hiểm trở, phức tạp, dân cư thưa thớt nên Nhà nước chưa thể đầu tư đưa điện lưới quốc gia về bản. Một số hộ dân góp tiền mua máy phát điện chạy bằng sức nước, nhưng nguồn điện rất yếu, chỉ đủ thắp sáng. Năm 2021, thực hiện dự án cấp điện vùng sâu, vùng xa, bản Hô Củng và bản Huổi Anh được đầu tư xây dựng hơn 7,7km đường dây 35kV với 62 vị trí cột trung thế và hơn 5km đường dây hạ thế. Cuối năm 2022, ngành Ðiện lực đã phối hợp với Sở Công Thương đấu nối đóng điện thành công, cấp điện cho hơn 170 hộ dân 2 bản Hô Củng và Huổi Anh. Người dân được sử dụng nguồn điện ổn định, bảo đảm chất lượng.

Ông Mùa A Súa, người dân bản Huổi Anh chia sẻ: Trước đây, khi chưa có điện cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Thiếu các thiết bị nghe, nhìn nên người dân cũng hạn chế tiếp cận thông tin. Hộ có điều kiện muốn mua máy móc, thiết bị về phục vụ sản xuất, phục vụ cuộc sống cũng không thực hiện được. Từ khi có điện lưới quốc gia, nhiều hộ trong bản đã mua các thiết bị điện gia dụng phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Bây giờ có điện chắc chắn cuộc sống của người dân sẽ có sự phát triển hơn trước. Nhất là các cháu học sinh có điện sáng để học tập, cô giáo thì dùng máy tính, sử dụng công nghệ giảng bài.

Ðưa điện về nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội đồng đều giữa các vùng, miền. Với tinh thần này, việc đưa điện về vùng cao, vùng sâu, vùng xa luôn được tỉnh Ðiện Biên ưu tiên, quan tâm thực hiện. Nhiều địa bàn trước đây là vùng trũng nghèo, nhưng kể từ ngày có điện lưới quốc gia đã giúp đời sống bà con khởi sắc từng ngày. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt thực hiện Dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2014 - 2020”, toàn tỉnh đã cấp điện cho trên 6.000 hộ dân vùng cao, vùng sâu. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt gần 93%. Việc phủ lưới điện đến địa bàn vùng cao, biên giới, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã mang đến những đổi thay rõ rệt. Bộ mặt nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc; đời sống nhân dân đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Thành Ðạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top