ĐBP - Nằm sát biên giới, lại là bản duy nhất trong toàn xã chưa có điện lưới quốc gia nên cho đến giờ cuộc sống của hơn 50 hộ dân ở Nậm Tắt, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) vẫn còn nhiều khó khăn. “Nậm Tắt hiu hắt đến bao giờ” là trăn trở nhiều năm mà người dân và các cấp ủy, chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm lời giải.
Nhiều gian khó
Từ trung tâm xã Nà Bủng, chúng tôi cùng anh cán bộ xã chạy xe máy trên con đường bê tông uốn lượn bám sườn đồi để đến Nậm Tắt. Ði được chừng 6km, qua một ngã ba, anh cán bộ đột nhiên dừng xe. Chỉ tay về phía con đường đất cheo leo dốc ngược dựng đứng phía trước, anh bảo: “Lên nhà trưởng bản rẽ đường này, phóng viên đi được không?”. Vừa trải qua trận mưa lúc sớm nên con đường trơn như đổ mỡ càng tạo thêm thách thức. Nhưng nghĩ “đã đến đây rồi, khó mấy cũng phải đi” nên chúng tôi tiếp tục hành trình.
Hai chiếc xe máy đều cài về số 1, chúng tôi ngược dốc. Thế nhưng, cũng chỉ đi thêm được chừng hơn trăm mét đành phải dừng lại. Chiếc xe không chịu nghe theo sự điều khiển của người lái, bánh liên tục rê, trượt khiến xe quay ngang đường. Ðể xe lại bên bìa rừng, chúng tôi đi bộ. Mất khoảng nửa giờ “vật lộn” trên con đường nhầy nhụa, đôi dép nặng trịch đất đỏ bám chặt, những mái nhà tranh đầu tiên dần xuất hiện. Cúi đầu bước ra từ mái hiên một căn nhà lụp xụp, Trưởng bản Thào A Tráng đón khách lạ với ánh nhìn ngơ ngác. Khi vừa nghe có nhà báo ghé thăm, ông Tráng vội vã bắt tay và bảo: “Vất vả quá, nhưng bản nghèo thế này lấy gì cho cán bộ chụp ảnh?!”.
Nói rồi, ông dẫn chúng tôi đi thăm gia đình bà Vàng Thị Dính (gần 80 tuổi) chỉ cách đó vài bước chân. Trong căn nhà gỗ, mái lợp gianh, mâm cơm còn ngổn ngang bát đũa. Gia đình bà Dính có 11 khẩu, họ vừa ăn xong bữa sáng gồm cơm gạo đỏ, muối ớt và nước trắng. Người lớn đều đi nương hết, bọn trẻ đi học, nhà chỉ còn bà và đứa cháu nội mới 10 tháng tuổi. Trong căn bếp nhỏ ám khói, bà Dính cõng trên lưng đứa cháu nội, chân chậm rãi nhấn từng nhát cối để giã gạo, xay ngô cho bữa trưa. Tiếng chày bập bõm, nhát được, nhát không. Ðôi mắt mờ đục khiến bà không nhìn rõ nên chỉ quẩn quanh ở nhà.
Theo chia sẻ của trưởng bản Thào A Tráng thì trong bản còn nhiều hộ như thế, thóc thu hoạch được đựng vào bao hoặc trong bồ, ăn bữa nào sẽ tự giã gạo đủ cho bữa đó. Chỉ ít hộ có xe máy thì vận chuyển ra ngoài trung tâm để xay xát. Cũng bởi Nậm Tắt hiện là bản duy nhất của xã Nà Bủng chưa được đầu tư điện lưới quốc gia. “Ðể phục vụ cuộc sống, có 4 hộ mua máy phát điện mini chạy bằng sức nước. Nhưng vì nguồn nước hạn hẹp nên điện chỉ đủ sạc vài ba chiếc điện thoại giữ liên lạc với bên ngoài. Sinh hoạt buổi tối phải dùng đèn pin, đèn dầu. Các nhu cầu khác liên quan đến điện hết sức khó khăn. Ðặc biệt là thời gian này đang triển khai kích hoạt định danh điện tử. Chúng tôi chưa biết làm thế nào?!” - ông Tráng giãi bày.
Bám biên “nuôi” khát vọng
Hơn 30 năm, kể từ khi những hộ đồng bào Mông đầu tiên ở Tủa Chùa di cư về địa bàn biên giới Nậm Tắt lập bản, giờ đây cuộc sống bà con vẫn nhiều gian khó. Thế nhưng, có một điều chắc chắn mà cả chính quyền địa phương và trưởng bản đều thừa nhận là bà con đã ổn cư. “Chúng tôi đã coi đây là quê hương, yêu đất, gắn bó với bản. Ðất cũng không phụ công người nên chịu khó thì chẳng có hộ nào đói cả. Chỉ là, điều kiện thiếu thốn nên không làm giàu được!” - ông Tráng bộc bạch.
Ðể người dân bớt phần nào khó khăn, chính quyền địa phương cũng quan tâm đầu tư bê tông hóa con đường từ trung tâm xã đến đầu bản. Bởi vậy, biệt danh “ốc đảo” Nậm Tắt đã xóa bỏ, việc đi lại, giao lưu với bên ngoài của người dân phần nào thuận tiện hơn. Bà con cũng được hỗ trợ téc, đường ống dẫn nước từ các khe về sử dụng. Dẫu vậy, do nguồn nước xa, nước ít nên cũng chỉ đáp ứng phần nhỏ vẫn còn gần 50% gia đình phải tự đầu tư đường dẫn, xô, thùng để tích trữ nước.
Nuôi khát vọng “no ấm” nên đa phần hộ dân trong bản không chỉ sản xuất một loại cây trồng. Ngoài khai hoang làm lúa nước, bà con vẫn sản xuất ngô, lúa trên nương và canh tác thêm các loại cây trồng ngắn ngày. Mỗi gia đình duy trì chăn nuôi vài ba con gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu cuộc sống. Ðơn cử như nhà trưởng bản, để đảm bảo lương thực cho 5 nhân khẩu, thì ngoài 2 mảnh ruộng lúa nước còn trồng thêm nương sắn, ngô, đậu tương, lạc. Ông Tráng cũng chăn nuôi 5 con trâu để lấy sức kéo, vài con lợn, gà thỉnh thoảng cải thiện bữa ăn và thêm thắt thu nhập lo cho con cái học tập. 3 người con của ông hiện có 2 con học THCS, 1 đứa mầm non.
Dẫu cuộc sống còn bộn bề cái khó, nhưng theo ông Vàng A Chừ, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Bủng nhận xét thì với bản tính cần cù, chịu khó nên người dân Nậm Tắt rất nỗ lực lao động, sản xuất. Bản có 6 hộ theo đạo, nhưng đều sinh hoạt ổn định, tuân thủ quy định, pháp luật của Ðảng, Nhà nước cũng như thôn bản. Nhiều năm liền, ở đây không ghi nhận có tội phạm về ma túy. Trẻ em trong độ tuổi đều được bà con cho đến trường, lớp đầy đủ. Ðó cũng là lý do, ngay khi có nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền huyện, xã đã nghĩ ngay đến Nậm Tắt. Với nguồn vốn này, vừa qua 13 hộ dân tại đây đã được tham gia mô hình trồng mắc ca. Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn giống, phân bón và kỹ thuật. Trung bình mỗi hộ được nhận trên 500 cây. Vì là giống cây mới, lần đầu tiên bà con địa phương trồng nên cán bộ chuyên môn thường xuyên có mặt hỗ trợ các gia đình.
“Bà con sẽ cố gắng tận dụng tốt các nguồn lực được hỗ trợ để tập trung lao động, sản xuất, làm kinh tế. Chưa biết khi nào Nậm Tắt mới hết khó khăn, nhưng người dân vẫn cố gắng mỗi ngày. Giờ chỉ mong sớm có điện và được đầu tư hệ thống kênh tưới tiêu, đường nước sinh hoạt. Có hạ tầng rồi, chắc chắn bà con sẽ vươn lên thoát nghèo!” - trưởng bản Thào A Tráng khẳng định.