Kinh tếĐiện & đời sống

Đề xuất điều chỉnh giá điện và cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân có gì mới?

16:11 - Thứ Năm, 26/10/2023 Lượt xem: 1892 In bài viết

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Ngày 24/10, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về cơ chế điều chỉnh mức giá bản lẻ điện bình quân. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2023.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và EVN khẩn trương hoàn thiện nội dung phương án điều chỉnh giá điện, trong đó đánh giá kỹ tác động, nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp, kịp thời, khả thi hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách và các đối tượng yếu thế theo quy định của pháp luật, bảo đảm phương án đề xuất phù hợp với tình hình thực tiễn, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, phối hợp thực hiện thông tin, truyền thông trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng tác động, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và trong quá trình xây dựng phương án điều chỉnh giá điện, nhất là về cơ sở pháp lý, sự cần thiết, chủ trương, chính sách, công tác điều hành giá nói chung và giá điện nói riêng của Chính phủ, tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân.

Giá bán lẻ điện bình quân theo hướng công khai minh bạch.

Bộ Công Thương cho biết, dự thảo quyết định điều chỉnh giá điện và cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân có nhiều điểm mới, giá điện sẽ phản ánh đúng chi phí sản xuất và đảm bảo công khai, minh bạch.

Dự thảo quyết định mới thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg sẽ theo hướng điều chỉnh giá điện theo lộ trình, tránh giật cục, đồng thời để phù hợp với các quy định hiện hành khác với nhiều điểm mới và đã lấy ý kiến rộng rãi, công khai. Cụ thể, dự thảo quy định về điều chỉnh giảm giá điện. Dự thảo kế thừa và làm rõ quy định khi thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên thì thực hiện giảm giá điện, tránh gây lãng phí nguồn lực khi mức giảm nhỏ cũng thực hiện điều chỉnh giá theo ý kiến góp ý của một số đơn vị.

Về hồ sơ, phương pháp tính toán và số liệu sử dụng: Dự thảo quy định rõ hồ sơ xây dựng phương án giá điện hằng năm, trong đó sửa đổi, bổ sung phương pháp và công thức lập giá bán điện bình quân phù hợp với thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Dự thảo cũng quy định rõ các mốc thời gian, trình tự, thủ tục, trách nhiệm và thẩm quyền trong việc lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hằng năm. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện, dự thảo đề xuất chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu là 3 tháng (thay vì 6 tháng như quy định hiện hành). Việc này cũng nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình, tránh giật cục.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định về trình tự, thủ tục chung để thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện khi có chỉ đạo của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ. Qua đó tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc hỗ trợ giảm tiền điện như đã triển khai hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong 2 năm 2020 và 2021.

Do giá điện là mặt hàng nhạy cảm, việc thay đổi giá điện có thể ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân, trong dự thảo quyết định đã quy định trong hồ sơ phương án giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần có báo cáo đánh giá ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến chi phí mua điện của khách hàng sử dụng điện. Dự thảo quyết định cũng đã quy định rõ mức điều chỉnh tăng/giảm giá điện, cụ thể khi giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành thì thực hiện giảm giá điện ở mức tương ứng, còn điều chỉnh tăng giá chỉ được thực hiện khi mức tăng từ 3% trở lên, việc này đảm bảo sự minh bạch trong thực hiện cơ chế điều chỉnh giá.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top