ĐBP - Nhiều dự án lưới điện đã và đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đây là các dự án có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo điện cho tỉnh Điện Biên sớm giải tỏa công suất nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo trên địa bàn lên hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Nhiều vướng mắc
Để đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải, giai đoạn 2021-2023, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và đơn vị thành viên (Công ty Điện lực Điện Biên) đã triển khai 41 dự án lưới điện trung hạ áp với tổng mức đầu tư (TMĐT) 334 tỷ đồng. Riêng năm 2024, đã giao 6 dự án với TMĐT 76 tỷ đồng. Với lưới điện 110kV, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đầu tư 6 dự án với TMĐT 402,7 tỷ đồng, đã hoàn thành 4/6 dự án. Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia cũng đang triển khai đầu tư xây dựng 2 dự án lưới điện 220kV bao gồm: Trạm biến áp 220kV Điện Biên với TMĐT 293,8 tỷ đồng, khởi công tháng 12/2021; đường dây 220kV mạch kép Điện Biên - Sơn La, TMĐT 979,6 tỷ đồng (cả 2 dự án dự kiến hoàn thành vào quý I/2025).
Các dự án điện theo quy hoạch được duyệt sẽ hoàn thành nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì việc thực hiện nhiều dự án ĐTXD còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Đơn cử như trạm biến áp (TBA) 220kV Điện Biên và đường dây 220kV Điện Biên - Sơn La do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. Đây là dự án có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định cung cấp điện, tạo mạch vòng đường dây 220kV liên kết lưới điện giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên. Dự án đang gặp vướng mắc kéo dài, tiến độ chậm sang năm 2025 (so với mục tiêu ban đầu là hoàn thành năm 2023). Trong đó, dự án TBA 220kV Điện Biên được xây dựng tại xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 4,3ha, khởi công từ tháng 12/2022 và dự kiến hoàn thành đóng điện trong tháng 6/2024. Tuy nhiên, dù công tác giải phóng mặt bằng đã được triển khai từ tháng 4/2022 song đến nay sau 22 tháng vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Cần đẩy nhanh tiến độ
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 19 nhà máy thủy điện đấu nối vào lưới điện 110kV và trung áp với tổng công suất 269,3MW và 26MW của cụm Nhà máy thủy điện Nậm Hóa trên địa bàn tỉnh Sơn La phát về phía lưới điện tỉnh Điện Biên. Về lưới điện, phụ tải tỉnh được cấp điện bằng 5 TBA 110kV với tổng công suất 144,5MVA (trong đó 1 TBA/12,5MVA thuộc tài sản khách hàng). Các TBA 110kV hiện mang tải khoảng 50 65%. Các TBA 110kV được cấp điện bằng trục đường dây liên kết 110kV mạch kép Lai Châu - Tuần Giáo - Sơn La; đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải và truyền tải công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh. Theo tính toán, phụ tải của tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 có tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với bình quân cả nước và khu vực miền Bắc. Tổng công suất đăng ký tăng trong giai đoạn 2024 - 2025 khoảng 32,2MW.
Tỉnh ta có tiềm năng phát triển nguồn thủy điện khá cao, tổng công suất các nguồn thủy điện đã vận hành và đã có quy hoạch (chưa đưa vào vận hành) gần 700MW. Trong đó, nguồn thủy điện nhỏ được phân bổ phát triển lũy kế đến năm 2030 (theo dự thảo Kếhoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2024) là 471MW (công suất lũy kế hiện có khoảng 160MW). Như vậy, trong thời gian tới 2030, với khả năng phát triển thủy điện tăng khoảng 300-400MW, lưới điện hiện tại cần bổ sung các công trình truyền tải và phân phối để đảm bảo giải tỏa hết công suất các nguồn thủy điện.
Nhằm sớm triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình điện đáp ứng truyền tải, các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương tổ chức thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng rừng đối với các dự án đường dây, trạm biến áp 220kV, 110kV do ngành Điện đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, UBND huyện Mường Chà và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện giải phóng mặt bằng đối với dự án đường dây 110kV Mường Chà - Long Tạo (xong trước ngày 15/4/2024). UBND TP. Điện Biên Phủ khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án đường dây 220kV Điện Biên - Sơn La và xuất tuyến 110kV sau TBA 220kV Điện Biên (xong trước ngày 30/5/2024).
Đối với dự án TBA 220kV Điện Biên khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 3/2024. UBND huyện Tuần Giáo cần hoàn thành các thủ tục, hồ sơ và thực hiện giải phóng mặt bằng dự án đường dây 220kV Điện Biên - Sơn La trong tháng 4/2024. Đối với UBND huyện Mường Ảng, cần hoàn thành các thủ tục, hồ sơ và thực hiện giải phóng mặt bằng dự án đường dây 220kV Điện Biên - Sơn La theo 2 đợt (trong đó, đợt 1 hoàn thành trong tháng 3/2024; đợt 2 hoàn thành sau 1 tháng kể từ khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024) và giải quyết vướng mắc trên một sốtuyến đang thi công. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn các chủ đầu tư dự án hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sửdụng rừng đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật; hoàn thành xử lý trong vòng 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.