Kể từ khi nâng cấp lên đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào tháng 6-2008, Việt Nam và Trung Quốc không ngừng thúc đẩy các biện pháp nhằm làm phong phú và sâu sắc hơn nội hàm của mối quan hệ đang ngày càng cho thấy mang lại những lợi ích quan trọng cho nhân dân hai nước và còn rất nhiều dư địa để đưa mối quan hệ giữa hai nước láng giềng gần gũi đi xa hơn.
Trước tiên cần phải khẳng định chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022 và Tuyên bố chung hai nước đạt được nhân dịp này, đã tạo động lực mạnh mẽ để hai nước phát huy hơn nữa giá trị của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện không ngừng được củng cố và tăng cường. Những giá trị đó đã và đang được chứng minh rõ nét thông qua mối quan hệ hợp tác rộng mở trên tất cả các lĩnh vực suốt 15 năm qua. Chưa bao giờ quan hệ hai nước được tạo đà thuận lợi một cách toàn diện và vững chắc như vậy.
Đạt được thành tựu trên các lĩnh vực hợp tác chính là nhờ các cấp, các ngành của cả hai bên đã chủ động, tích cực trong việc thực hiện và cụ thể hóa các thành quả cùng nhận thức chung giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng và các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác được thống nhất giữa chính phủ hai nước.
Trong đó phải kể tới chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vào tháng 6 năm nay, nhằm hiện thực hóa những nhận thức chung giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, cũng như các đường hướng chỉ đạo đã nêu rõ trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc năm 2022.
Trong chuyến thăm, hai Thủ tướng đã nhất trí cao cùng thúc đẩy triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Cùng với đó là các biện pháp cụ thể được đề xuất trên từng lĩnh vực hợp tác đã được hai Thủ tướng thảo luận, góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại làm cản trở hợp tác song phương, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư...
Cụ thể, đó là hai bên cần phát huy ưu thế địa lý và khả năng bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế. Hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước có mức độ bổ trợ cao và còn tiềm năng rất lớn, cần được hai bên thúc đẩy khai thác triệt để hơn nữa nhằm phát huy các lợi thế. Đơn cử như trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa hai nước được đánh giá là vẫn rất lớn. Việt Nam xuất sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, sản phẩm công nghiệp, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...
Thủ tướng Lý Cường khẳng định, Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản, thủy sản, hoa quả chất lượng cao của Việt Nam, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, sẵn sàng phối hợp thúc đẩy giải quyết vướng mắc về thể chế, chính sách, để quan hệ thương mại hai nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và đạt thành quả mới. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng hiệu quả, thực chất, tương xứng với quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Hai Thủ tướng nhất trí việc tăng cường kết nối về hạ tầng cơ sở, giao thông giữa hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên các lĩnh vực ưu tiên.
Đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương cũng là một trong những biện pháp được hai nước quan tâm thúc đẩy, góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc giữa hai quốc gia. Có thể kể các hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân quy mô lớn như Liên hoan Nhân dân biên giới Việt-Trung, Diễn đàn Nhân dân Việt-Trung, Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc... Đặc biệt, năm 2021-2022, bất chấp những cản trở của đại dịch Covid-19, hai bên vẫn duy trì các hoạt động giao lưu thông qua hình thức trực tuyến, như giao lưu, gặp gỡ hữu nghị thanh niên hai nước cùng các hoạt động giao lưu, hợp tác thanh niên giữa các địa phương hai bên, nhất là các địa phương biên giới. Các hoạt động giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt là giáo dục truyền thống hợp tác, hữu nghị, láng giềng “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai quốc gia, thúc đẩy và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa tuổi trẻ hai nước.
Xuất phát từ sự coi trọng việc phát triển quan hệ giữa hai nước, hai bên đã đạt được sự nhất trí cao đối với các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương đã thống nhất; đồng thời tiếp tục nỗ lực để tìm ra các biện pháp tiếp theo nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong tình hình mới. Như trong trao đổi với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Thế giới biến động hết sức phức tạp, hai nước chúng ta đang ở giai đoạn quan trọng. Vì vậy, việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước vừa là trách nhiệm lịch sử, vừa là yêu cầu khách quan, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước”.