Chính trịĐối ngoại

Thắm tình Việt Nam-Cuba

Bài 1: Trên tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây – Đá Chông

11:01 - Thứ Năm, 07/12/2023 Lượt xem: 2234 In bài viết

Xuất phát từ những nét tương đồng trong quá trình đấu tranh cách mạng, giành và giữ độc lập dân tộc, ngày 2-12-1960, chính quyền Cuba mới được thành lập do cố lãnh tụ Fidel Castro lãnh đạo đã đưa Cuba trở thành nước đầu tiên ở Tây bán cầu thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam.

Đặc biệt, từ sau chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Fidel Castro đến Việt Nam năm 1973, Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba đã dành tặng cho Việt Nam những công trình lớn gồm: Trại bò sữa Mộc Châu; Trại gà Tam Đảo – Ba Vì – Lương Mỹ; đường Xuân Mai – Sơn Tây – Đá Chông; Trại bò đực giống Mocada; Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình)... Đây là biểu hiện sinh động nhất, thắm đượm nghĩa tình quốc tế trong sáng, tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ nghĩa tình đặc biệt Việt Nam - Cuba từ quá khứ, hiện tại và tương lai.

Mái tóc đã chuyển sang màu trắng cước, những nếp nhăn thời gian hiện rõ trên từng khuôn mặt của những du học sinh Việt Nam chuyên ngành xây dựng tại Cuba từ năm 1967-1974. Nhưng mỗi khi có dịp gặp nhau, bao kỷ niệm về một thời học tập bên đất nước bạn và giai đoạn cùng đoàn chuyên gia Cuba thi công tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây – Đá Chông vào năm 1974 lại trở về sống động, tươi đẹp.

 Đưa những gì hiện đại nhất đến Việt Nam

Theo những tài liệu còn ghi chép lại và các kỹ sư Việt Nam trực tiếp tham gia thi công tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây – Đá Chông thì đây là tuyến đường mà tất cả những vật liệu tốt nhất, máy móc, phương tiện hiện đại nhất, đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề nhất được Cuba đưa sang vừa để thi công bảo đảm chất lượng, vừa tham gia đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm làm đường giao thông cho đội ngũ kỹ sư, công nhân xây dựng của Việt Nam, đúng như tinh thần Chủ tịch Fidel Castro đã đúc kết: “Cuba không cho đi những gì mà mình thừa thãi, mà chia sẻ với bạn bè những tài nguyên khiêm tốn mà mình có được”.

Để tham gia hỗ trợ và học tập kinh nghiệm trong làm đường giao thông của bạn, Việt Nam đã thành lập Công trường 74 do đồng chí Nguyễn Đình Chiểu làm giám đốc. Các kỹ sư và công nhân Việt Nam vừa trực tiếp làm công tác phiên dịch, vừa học tập ở bạn phương pháp tổ chức lực lượng thi công; lái máy xúc, máy ủi; sửa chữa cơ khí; thí nghiệm...

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Sơn, du học sinh chuyên ngành vật liệu xây dựng tại Cuba từ năm 1967-1974 nhớ lại những kỷ niệm làm tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây – Đá Chông.

Là một trong những kỹ sư được đào tạo tại Cuba từ 1967 đến 1974, ông Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1948, hiện ở đường Hoàng Văn Thái, Hà Nội chia sẻ: "Ngay sau khi về nước năm 1974, tôi cùng nhiều đồng chí trong ngành xây dựng được cấp trên điều về làm phiên dịch cho các kỹ sư Cuba, đồng thời kiêm trợ lý vật tư. Nói về tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây – Đá Chông, trước hết phải khẳng định, đây là con đường tốt nhất Việt Nam thời bấy giờ vì được Cuba xây dựng theo tiêu chuẩn ASTO của Mỹ; việc khảo sát, thiết kế, thi công đúng quy trình, mang tính chuyên nghiệp cao".

Theo ông Sơn, quá trình thi công, kỹ sư và các công nhân Cuba tổ chức triển khai rất tốt với các đội khảo sát, đo đạc và thiết kế. Nền đường và hệ thống thoát nước được bạn làm rất cẩn thận, vì vậy đường không bị đọng nước, ảnh hưởng đến cấu trúc, độ bền của nền đường. Riêng nền đường, chuyên gia và công nhân Cuba làm đúng từng lớp gồm đất tự nhiên, lớp nền, lớp lót móng, lớp móng và lớp mặt, đạt độ chặt K95, K98 trong thi công đường giao thông.

Tuyến đường Xuân Mai - Sơn Tây – Đá Chông được thiết kế với tổng chiều dài hơn 50km, thời gian thi công 4 năm từ 1974 đến 1978.

Trong đó, đoạn Xuân Mai – Sơn Tây có chiều dài gần 30km, đường được thiết kế với chiều rộng 12m, mặt đường 7,5m, con đường sau khi hoàn thành có thể sử dụng cho máy bay chiến đấu hạ, cất cánh khi chiến tranh xảy ra. Đoạn đường Sơn Tây - Đá Chông, dài hơn 20km, đường rộng 7,5m, mặt đường 5,5m, nối lên Khu di tích K9.

Điều ông Nguyễn Ngọc Sơn ấn tượng trong quá trình làm việc với kỹ sư, công nhân Cuba chính là tinh thần, trách nhiệm của phía bạn. Ông Sơn kể: "Trong quá trình làm đường, việc thí nghiệm được phía bạn rất coi trọng. Tuy chỉ làm một tuyến đường dài hơn 50km nhưng Cuba đưa sang 3 phòng thí nghiệm về đất, vật liệu, nhựa đường và bê tông nhựa. Đơn cử như việc lấy đất đắp nền, kỹ sư và công nhân Cuba thử lấy đất ở nhiều vị trí khác nhau trong vùng, với nhiều độ sâu khác nhau. Khi tìm được loại đất đạt tiêu chuẩn cho nền đường mới chỉ định lấy đắp nền. Điều đó rèn cho chúng tôi - những kỹ sư mới ra trường tính cẩn thận trong từng khâu của quá trình thi công làm đường".

Với tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây – Đá Chông, các kỹ sư và công nhân Cuba đã áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong làm đường thời bấy giờ, đó là công nghệ cọc khoan nhồi, phụ gia siêu dẻo trong làm đường. Những công nghệ này mãi sau này nước ta mới có điều kiện để áp dụng.

Không chỉ học tập về kỹ thuật, các kỹ sư và cán bộ quản lý của Việt Nam còn học tập ở bạn khâu tổ chức lực lượng và sử dụng con người. Bởi, cả một công trình lớn như vậy nhưng Cuba chỉ đưa sang một lực lượng rất gọn nhẹ, gồm 100 công nhân, 3 kỹ thuật viên và một kỹ sư chỉ huy. Trong 4 năm, lần lượt có 3 kỹ sư Cuba sang thay thế nhau là các đồng chí Gamondi, Julian và cô Elsa.

“Điều đặc biệt, là các kỹ sư còn rất trẻ, chỉ hơn chúng tôi ít tuổi. Qua đó, cho thấy sự tin tưởng giao việc của phía bạn rất quan trọng, dù trẻ nhưng nếu làm được việc cũng mạnh dạn sử dụng. Và thực tế đã minh chứng, công việc diễn ra rất thuận lợi, các bộ phận, ca, kíp trực được bố trí khoa học, chỉ đạo kiên quyết, mọi vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công được giải quyết nhanh chóng”, ông Sơn chia sẻ.

Tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây mà Cuba xây tặng Việt Nam ngày nay vẫn là tuyến đường chính phục vụ giao thương giữa hai vùng.

Đối với ông Đào Hoàng Thanh, sinh năm 1950, hiện ở phố Trung Văn (Hà Nội), nguyên phiên dịch viên cho đồng chí Ruben Martinez, phụ trách toàn bộ các đội xây dựng của Cuba đang hoạt động ở Việt Nam thời kỳ ấy, nhớ lại: "Chuyên gia Ruben Martinez được phân một chiếc xe U-oát kèm một lái xe và tôi là phiên dịch viên. Trừ những ngày hội họp, cứ mỗi ngày một lần trưởng đoàn lên kiểm tra công trình xây dựng tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây – Đá Chông để trực tiếp nắm bắt tiến độ thi công và giải quyết những vướng mắc phát sinh. Qua đó, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của đồng chí đối với tuyến đường này".

Để hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, hỗ trợ Việt Nam xây dựng tuyến đường giao thông chất lượng cao, các kỹ sư, công nhân Cuba luôn nêu cao tinh thần hết lòng vì công việc, khắc phục mọi khó khăn về thời tiết, thổ nhưỡng, ngôn ngữ và văn hóa, làm cả ngày lẫn đêm theo ca, kíp, hướng tới mục tiêu hoàn thành tuyến đường đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng tốt nhất.

“Có một lần, đang thi công thì máy lu nền bị hỏng. Đây là loại máy Cuba nhập từ Pháp đưa sang công trình, để thay thế linh kiện bị hỏng, bạn phải đặt hàng từ bên Pháp. Trong khi, tiến độ thi công đang rất gấp rút, tôi đề xuất giải pháp tìm kiếm linh kiện thay thế ở trong nước. Lúc này, đồng chí Ruben Martinez đã trao đổi trực tiếp với đồng chí Vũ Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, phụ trách tuyến đường này. Ngay lập tức, 3 kho chứa máy công trình của Bộ Giao thông được chuyên gia phía bạn tìm kiếm kỹ. Cuối cùng, bạn đã tìm được linh kiện thay thế, không phải đợi hàng từ bên Pháp chuyển qua. Và tiến độ thi công công trình vẫn đạt được như kế hoạch đề ra”, ông Đào Hoàng Thanh nhớ lại.

Lời hẹn thầy - trò

Trong số những kỹ sư của Việt Nam vừa làm phiên dịch, vừa học tập kinh nghiệm của đất nước anh em Cuba trên công trường thi công tuyến đường trên có ông Đỗ Đình Đại, hiện ở đường Châu Phong, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nguyên Phó giám đốc Công trường 74.

Ông Đại nhớ lại: "Trên công trường thi công tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây – Đá Chông, tôi may mắn được gặp lại thầy, cô của mình là Kỹ sư Gamondi và cô Elsa. Nhớ hồi còn ngồi trên giảng đường đại học Cuba, trong mỗi tiết giảng, thầy và cô luôn nhắc nhở chúng tôi phải cố gắng học tập để sau này về xây dựng đất nước. Có thể, sau này các thầy, cô sẽ sang giúp Việt Nam và gặp lại các em trên những công trường...".

 Các kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại Cuba thời kỳ 1967-1974 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh tư liệu

Lời nói ấy đã trở thành hiện thực, một năm sau khi về nước, ông Đỗ Đình Đại và những bạn học của mình vui mừng gặp lại thầy Gamondi, rồi cô Elsa trên quê hương Việt Nam với vai trò là kỹ sư trưởng của công trình xây dựng tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây – Đá Chông. Bao nhiêu ký ức về một thời sinh viên bên đất nước Cuba được tái hiện qua từng câu chuyện giữa thầy và trò trong những giờ giải lao trên công trường.

Vẫn vẹn nguyên lời căn dặn năm xưa, thầy Gamodi và cô Elsa vừa lăn lộn vào từng công việc, vừa chỉ bảo tận tình từng công đoạn trong quá trình thi công làm đường với các học trò của mình. Ông Đỗ Đình Đại chia sẻ: “Trong quá trình làm việc, các thầy, cô và công nhân Cuba đã truyền đạt kinh nghiệm cho kỹ sư, công nhân Việt Nam rất tận tình, tỉ mỉ và vô tư. Chúng tôi học được ở họ tính nghiêm túc và kỷ luật không chỉ trên công trường mà cả trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu bất kỳ ai, ở khâu nào trong quá trình làm việc không tuân thủ quy trình hay thiếu thân thiện với công nhân Việt Nam đều bị gọi ra khỏi vị trí làm việc để người khác thay thế".

Ông Đại kể: Có lần, một công nhân phụ trách rải thảm đường của Cuba nói nặng lời với công nhân Việt Nam. Ngay lập tức, cô Elsa cho nghỉ việc để kiểm điểm. Sau một thời gian kiểm điểm nghiêm túc, kỹ sư trưởng Elsa mới chấp thuận cho làm lại.

Ngày chia tay cô Elsa về nước, lời nhắn nhủ của cô đến những học trò của mình mà đến hôm nay, ông Đỗ Đình Đại vẫn còn tạc dạ ghi lòng, đó là: Làm kỹ thuật phải nghiêm túc thì công trình mới có chất lượng tốt!

Tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây mà Cuba xây tặng Việt Nam ngày nay vẫn là tuyến đường chính phục vụ giao thương giữa hai vùng. 

Cảm mến tấm lòng quốc tế cao cả, sự nhiệt huyết của các kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân Cuba dành cho Việt Nam, bà con trong khu vực, hễ mùa khoai biếu khoai, mùa ngô, sắn... đều dành những củ, bắp to nhất biếu các công nhân Cuba.

“Ngày khánh thành tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây – Đá Chông, bà con đứng chen chân đầu tuyến và cuối tuyến, liên tục vỗ tay chào đón những người bạn Cuba đã hết lòng vì Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Mỉnh, một trong những người dân chứng kiến quá trình làm đường của kỹ sư và công nhân Cuba thời bấy giờ, hiện ở khu Đồng Vai, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội nhớ lại.

Sự giúp đỡ vô tư, trong sáng mà Cuba dành cho Việt Nam đã được Chủ tịch Fidel Castro đúc kết: “Đó là nghĩa vụ của chúng tôi vì khi đó các bạn đánh Mỹ “hộ” Cuba để chúng tôi có thể xây dựng đất nước trong hòa bình”. Thiết nghĩ, chỉ có một dân tộc hào hiệp mới coi sự giúp đỡ vô tư, chí tình cho một dân tộc ở một đất nước xa xôi là nghĩa vụ của mình.

Gần 50 năm đã trôi qua, tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây – Đá Chông vẫn còn đó, bền bỉ với thời gian, góp phần thúc đẩy giao thương của nhân dân trong khu vực, mang lại cuộc sống ngày càng phồn vinh cho các địa phương nơi tuyến đường đi qua và tô thắm thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam – Cuba hiện tại và tương lai.

(Còn nữa)

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top