Cần khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp

06:11 - Thứ Sáu, 18/03/2022 Lượt xem: 8053 In bài viết

ĐBP - Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch dựa trên việc khai thác và trải nghiệm các giá trị tổng hợp từ thành quả của ngành Nông nghiệp. Tỉnh ta có tiềm năng, lợi thế lớn và đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch gắn với lợi thế và thành quả của ngành Nông nghiệp hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Khách hàng trải nghiệm hái dâu tây tại vườn dâu tây xã Thanh Yên (huyện Điện Biên). Ảnh: C.T.V

Với diện tích vườn khoảng 4.000m2, năm 2021 chị Bùi Thị Quỳnh, thôn Thanh Trường, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) phát triển mô hình trồng dâu tây. Khi vườn dâu cho thu hoạch, thay vì thực hiện bán hàng theo hình thức truyền thống, chị Quỳnh đã mở dịch vụ cho khách hàng vào vườn trải nghiệm hái dâu tây. Hình thức trải nghiệm mới lạ này đã thu hút lượng khách rất đông.

Chị Bùi Thị Quỳnh cho biết: Khi thu hoạch dâu, tôi đăng bán sản phẩm trên các trang mạng xã hội, nhiều khách hàng đăng ký mua và gợi ý đến tận vườn trải nghiệm hái dâu. Chiều lòng khách hàng, tôi mở cửa cho khách hàng vào tự tay lựa chọn và hái dâu tây. Khách hàng không chỉ hái dâu mà còn chụp ảnh, check in tại vườn sau đó đăng lên các trang mạng xã hội. Ngày cao điểm, vườn dâu tây đón 50 - 60 lượt khách. Hoạt động trải nghiệm này vừa giúp tôi bán được hàng vừa giúp quảng bá vườn dâu tây đến nhiều khách hàng hơn.

Có mặt tại vườn dâu tây Thanh Yên vào một buổi chiều cuối tuần, chúng tôi nhận thấy có nhiều gia đình đưa con xuống trải nghiệm hái dâu tây. Chị Bùi Thị Hiền, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Đây là một trải nghiệm ý nghĩa dịp cuối tuần của gia đình. Ở đây không khí trong lành, mát mẻ, trẻ con được chơi đùa, hái những quả dâu tây chín mọng. Ngoài đi hái dâu tây, dịp cuối tuần vợ chồng tôi cũng đưa các con đi tham quan, trải nghiệm hái cam, trái cây tại một số vườn cây ăn quả tại thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng). Mỗi chuyến đi, bọn trẻ rất thích thú, thỏa sức tìm hiểu, khám phá.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện nay toàn tỉnh có 44 nghề và làng nghề truyền thống, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực dệt thổ cẩm, mây tre đan; sản xuất, chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh về sản xuất nông nghiệp như: Lúa gạo (huyện Điện Biên); cà phê (Mường Ảng), chè (Tủa Chùa), cây ăn quả (Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo). Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã có 45 sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao và 43 sản phẩm 3 sao. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh ta phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh vẫn rất hạn chế, chủ yếu là các mô hình mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ. Toàn tỉnh chưa xây dựng, tổ chức được một mô hình du lịch nông nghiệp mang tính chuyên nghiệp, khai thác tiềm năng, lợi thế và thành quả của ngành Nông nghiệp.

Tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Điện Biên trở thành một trung tâm du lịch của cả nước. Với tiềm năng và lợi thế hiện có, thiết nghĩ du lịch nông nghiệp rất cần được quan tâm đầu tư để trở thành một trong những sản phẩm du lịch quan trọng. Muốn vậy,  trước tiên cần tổ chức rà soát, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, trong đó chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm nông thôn đặc trưng để liên kết hình thành tuyến du lịch. Ngành Du lịch và Nông nghiệp cần phối hợp điều tra, khảo sát hoạt động du lịch nông nghiệp tại địa phương để đánh giá toàn diện thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp... Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đào tạo, tập huấn nhân lực cho du lịch nông nghiệp; tổ chức đi tham quan thực tế mô hình phát triển nông nghiệp bền vững tại một số tỉnh để có thêm kiến thức làm du lịch, phát huy hơn nữa hiệu quả của du lịch nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp nhằm đa dạng hoá sản phẩm phục vụ cho du lịch gắn với xây dựng vùng nguyên liệu sạch để phục vụ khách hàng. Cùng với đó, tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch, góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh Điện Biên.

Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top