Khởi động thị trường du lịch

09:48 - Thứ Hai, 21/03/2022 Lượt xem: 7017 In bài viết

Sau khi nước ta chính thức mở lại toàn bộ hoạt động du lịch, các trung tâm du lịch lớn trong nước ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan. Nhân dịp này, các doanh nghiệp du lịch trong nước cũng đã khởi động trở lại những tua đưa khách du lịch Việt Nam đi nước ngoài.

Phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm hoạt động trở lại thu hút nhiều người dân Thủ đô và khách du lịch đến vui chơi, tham quan dịp cuối tuần. (Ảnh: Hoàng Hiếu)

Cuối tuần qua, khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội nhộn nhịp hẳn lên khi UBND quận Hoàn Kiếm quyết định cho hoạt động trở lại các không gian đi bộ sau 10 tháng tạm dừng vì dịch Covid-19. Đây chính là điểm nhấn quan trọng trong lộ trình khởi động lại ngành du lịch Thủ đô, khi các phố đi bộ tại khu vực trung tâm luôn là điểm đến không thể thiếu với khách khi đến Hà Nội.

Ba ngày cuối tuần qua, ước tính có khoảng 40 nghìn lượt người đến tham quan, vui chơi tại các không gian đi bộ ở quận Hoàn Kiếm. Anh Lê Hoàng Nam, khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Cuối tuần qua, tôi đi thưởng thức nhiều món ẩm thực đường phố và các hoạt động văn nghệ tại đây. Tôi nghĩ, khi chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, việc khởi động lại các hoạt động như thế này rất có ý nghĩa”.

Quận Hoàn Kiếm yêu cầu các phường chỉnh trang đô thị, tổng vệ sinh môi trường, trang trí hoa tươi tạo sắc màu tươi mới. Việc mở cửa du lịch cũng đòi hỏi ý thức cao hơn trong phòng, chống dịch bệnh. Do đó, không gian đi bộ được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, người vào khu vực phải thực hiện sát khuẩn, đeo khẩu trang, khai báo y tế. Quận Hoàn Kiếm cũng yêu cầu các hộ kinh doanh, các hộ dân trong khu vực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Tại các di tích: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò... lượng khách đến trong những ngày gần đây tăng đáng kể.

Chị Lã Thu Thủy, cán bộ Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết, các tua đêm của di tích thu hút lượng khách đông hơn dự kiến. Hiện tại, di tích Nhà tù Hỏa Lò đã bán hết suất các tua đêm cho đến đầu tháng 4.

Ngay khi khống chế được dịch Covid-19, từ cuối năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch theo từng giai đoạn trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Nhiều đơn vị lữ hành khởi động các tua du lịch khám phá thành phố và các tua liên tỉnh thuộc vùng xanh.

Anh Cao Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm du lịch nội địa Bến Thành Tourist cho biết, trung tâm đã xây dựng nhiều chương trình tua nhằm mang lại cảm giác mới lạ cho du khách khi khám phá những vùng đất tưởng chừng như quá đỗi quen thuộc, trong đó chú trọng tạo điều kiện cho du khách tự trải nghiệm bằng hình thức đi xe đạp qua những làng quê ngoại thành. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tổng doanh thu ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 3.100 tỷ đồng, là sự khởi đầu thuận lợi cho quá trình phục hồi ngành du lịch trong năm 2022.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông-marketing, Công ty du lịch TSTtourist, công ty đã hình thành những tua ngắn ngày đưa du khách trải nghiệm những điều mới lạ ở các quận, huyện trong thành phố như tua khám phá thành phố Thủ Đức, tua trải nghiệm Cần Giờ... “Đều đặn mỗi tuần, công ty đều có tua đưa khách đi tham quan thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, các tua du lịch đến các tỉnh miền núi phía bắc cũng được du khách ưa chuộng”-ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.

Dịch vụ bay ngắm Vịnh Hạ Long tại khu du lịch quốc tế Tuần Châu ngày càng thu hút du khách đến trải nghiệm. (Ảnh: Quang Thọ)

Với thông điệp “Quảng Ninh-điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, sẵn sàng đón bạn trở lại với sự thông thoáng nhất”, tỉnh Quảng Ninh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, xuất nhập cảnh, phòng, chống dịch tại các điểm đến, sân bay, bến cảng, cửa khẩu để đón khách du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết, tỉnh đã khôi phục hoạt động du lịch theo lộ trình từng bước chắc chắn, bảo đảm môi trường du lịch an toàn theo ba tiêu chí, du khách an toàn, hành trình an toàn và điểm đến an toàn, đồng thời yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp dịch vụ, du lịch phải tăng cường truyền thông, quảng bá và đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Trong sáu tháng đầu năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm 50% phí tham quan tại các điểm tham quan như vịnh Hạ Long, Khu danh thắng Yên Tử, Bảo tàng, Thư viện tỉnh để thu hút khách du lịch. Anh Hoàng Văn Lâm cùng với gia đình ở Hà Nội lựa chọn hình thức du lịch là trải nghiệm tĩnh dưỡng sức khỏe tại khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử. Anh Lâm chia sẻ, lần trở lại điểm du lịch này, anh thấy quang cảnh, cơ sở vật chất khác xưa rất nhiều, chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện.

Công tác phòng, chống dịch được quan tâm, tạo được sự yên tâm cho du khách đến nghỉ dưỡng. Tại khu du lịch quốc tế Tuần Châu từ đầu năm đến nay thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm đến trải nghiệm dịch vụ bay tham quan vịnh Hạ Long và chơi golf. Đây cũng là dấu hiệu vui cho du lịch trải nghiệm chất lượng cao của Quảng Ninh.

Trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn triển khai rất nhiều chương trình, dự án nhằm hoàn thiện hạ tầng du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn và quảng bá tiềm năng du lịch. Cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm: Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên liên tục được đầu tư, nâng cấp.

Mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch đã được hoàn thiện. Hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, mạng internet cũng được lắp đặt, phủ sóng ở các khu vực miền núi. Trong hai ngày 17 và 18/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc tổ chức khảo sát, tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch MICE Vĩnh Phúc với sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Du lịch và hơn 70 doanh nghiệp lữ hành. Cuối tuần qua, số khách du lịch đến các điểm tham quan của Vĩnh Phúc tăng nhẹ. Tại khu danh thắng Tây Thiên, lượng khách đi cáp treo tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Sau khi có quy định mở cửa đón du khách nước ngoài, một số doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội đã sẵn sàng chào bán tua. Song đến thời điểm hiện tại, khách quốc tế vẫn chủ yếu nghe ngóng diễn biến, nhất là khi Việt Nam đang nằm trong những nước có số người mắc Covid-19 vẫn rất cao. PGS Phạm Hồng Long-Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội đánh giá, thời điểm hiện nay là giai đoạn thấp điểm của khách du lịch quốc tế, nên chúng ta cần có giải pháp phù hợp trong lựa chọn thị trường.

Mặt khác, dịch bệnh đang có tốc độ lây lan mạnh ở Việt Nam hơn nhiều nước có thị trường khách chúng ta hướng tới. Do đó, khách du lịch quốc tế cần được chào đón với những thủ tục hành chính đơn giản, tiện lợi nhất như đối với khách du lịch trong nước.

Trong khi đó, thị trường khách outbound (khách Việt Nam du lịch nước ngoài) cũng bắt đầu sôi động trong tháng 3 này. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã tổ chức các tua đi Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... Công ty cổ phần Du lịch thiên nhiên vừa tổ chức đoàn khách du lịch từ Việt Nam đến Dubai. Đại diện công ty cho biết, các tua du lịch nước ngoài bắt đầu được người dân trong nước quan tâm sau hai năm đóng cửa vì dịch Covid-19.

Dù số lượng khách đi du lịch nước ngoài chưa thể bằng so với thời điểm chưa có dịch, nhưng hứa hẹn thị trường khách outbound sẽ sôi động hơn trong thời gian tới. Du lịch đã mở cửa trở lại, nhưng đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân lực do nhiều lao động đã chuyển sang ngành nghề khác. Tại thị trấn du lịch Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), nhiều chủ khách sạn và nhà hàng cho biết, đang thiếu nghiêm trọng nhân lực vì phần lớn nhân viên cũ đã chuyển sang làm nghề khác. Anh Trần Quang Thắng, Giám đốc một công ty lữ hành có trụ sở tại Vĩnh Phúc cho biết: “Nhân lực làm du lịch giờ còn rất mỏng.

Hiện chúng tôi phải đào tạo người mới. Do thiếu kỹ năng nên các thủ tục đặt vé máy bay, làm thủ tục đón khách mất nhiều thời gian hơn do thiếu người”. Tại Hà Nội, đến đầu năm nay, có khoảng 11.600 người, chiếm 18,3% số lao động trong ngành du lịch, đã nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển sang làm nghề khác.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Đặng Hương Giang khẳng định, Sở Du lịch đang rà soát lại lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch bị biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lại lực lượng lao động; đồng thời, phối hợp các cơ sở đào tạo chuyên ngành tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng du lịch cộng đồng, nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống, mua sắm. Sở cũng thúc đẩy hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tiếp cận nguồn nhân lực du lịch.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận

Tin khác

Back To Top