Đẩy mạnh liên kết để phát triển du lịch

09:34 - Thứ Hai, 28/03/2022 Lượt xem: 6685 In bài viết

Sau gần 2 năm tạm ngưng do dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nối lại các hoạt động hợp tác phát triển du lịch. Các địa phương trong vùng đặt mục tiêu chung phát huy tối đa lợi thế vốn có để sớm hồi phục và phát triển ngành công nghiệp không khói quan trọng này.

Chợ nổi Cái Răng - một trong những điểm du lịch thu hút rất đông du khách tại thành phố Cần Thơ.

Kích hoạt trục du lịch...

Chủ trương tăng cường liên kết phát triển trục du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được đưa ra từ tháng 12-2019. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên các hoạt động kết nối du lịch, lữ hành giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố tạm thời bị đình trệ.

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, trong hai năm 2020-2021, các doanh nghiệp lữ hành của thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hơn 50 tour du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh đi đến các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đã tiến hành khảo sát 126 điểm đến, 31 điểm nghỉ dưỡng, 5 chương trình nghệ thuật phục vụ du khách… “Chính phủ đã cho phép mở cửa trở lại các hoạt động du lịch từ ngày 16-3. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh (cửa ngõ đón du khách) và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ sớm sôi động trở lại”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.

Theo Kế hoạch triển khai chương trình hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 vừa được UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành, các nội dung liên kết sẽ nhấn mạnh vai trò đầu mối của thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương, từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch vùng. Các bên sẽ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng thông tin: Năm 2022, các địa phương sẽ cùng nhau tổ chức khảo sát, đánh giá, góp ý và đề xuất phát triển các chương trình du lịch liên kết trên tuyến “Những nẻo đường phù sa”, kết hợp tuyến “Sắc màu vùng biên”. Bên cạnh đó là tổ chức tọa đàm phát triển du lịch với chủ đề “Khơi nguồn dòng chảy phương Nam”; tổ chức hội nghị giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch kết nối thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch thành phố lần thứ 18 năm 2022; đồng thời xây dựng và công bố trang tin điện tử du lịch vùng; triển khai xúc tiến các hoạt động quảng bá; triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng…

... để cùng bứt tốc

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long xác định, những sản phẩm du lịch bằng đường thủy kết hợp phương tiện đường bộ; sản phẩm liên tuyến giới thiệu giá trị văn hóa, ẩm thực đặc trưng Nam Bộ là một lợi thế cần được phát huy để tạo ra tính cạnh tranh của sản phẩm vùng so với các vùng khác trên cả nước… Đơn cử, tỉnh Cà Mau đang hút khách bằng tour du lịch mới đua vỏ lãi trên bãi bồi Đất Mũi, đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu, các món ăn chế biến từ cua biển ngon nhất miền Tây…

Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group Võ Anh Tài cho rằng, nhiều địa phương trong vùng có tiềm năng trở thành điểm du lịch. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khai phá những tiềm năng này. Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel Trần Đoàn Thế Duy cho rằng: “Các địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch được tiếp cận quỹ đất, vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, cần phối hợp nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt”.

Để du lịch "bứt tốc" mạnh mẽ trong thời gian tới, các địa phương đã, đang tích cực vào cuộc. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp Võ Tiến Thành cho biết, tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng nền tảng hệ thống bản đồ số du lịch địa phương, tạo thuận lợi cho du khách. Trong khi đó, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn, Sở đang tham mưu UBND thành phố Cần Thơ kế hoạch triển khai nghị quyết của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, Cần Thơ có du lịch sông nước, khai thác điểm đến chợ nổi. An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh. Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo. Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái. Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch cánh đồng điện gió… Liên kết du lịch chính là cùng nhau tạo nên chuỗi sản phẩm đa dạng, hấp dẫn, phát huy thế mạnh từng địa phương. Với sự đầu tư hạ tầng giao thông mạnh mẽ từ Trung ương, sự tích cực vào cuộc của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, toàn vùng sẽ là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước..

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top