Vấn đề tuần này
ĐBP - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nền tảng đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước.
Sở dĩ tỉnh đặt ra kế hoạch, mục tiêu như vậy là vì chúng ta có sức hút rất lớn đối với các loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh, khám phá… Đặc biệt, địa danh Điện Biên Phủ gắn với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; Cánh đồng Mường Thanh gắn với truyền thuyết về vùng đất “Mường Trời” - nơi phát tích của dân tộc Thái; có cột mốc A Pa Chải - điểm cực Tây Tổ quốc, nơi “một con gà gáy ba nước cùng nghe”; có bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và bảo tồn rất phong phú… Với những tiềm năng về dư địa như vậy, có thể nói Điện Biên là nơi hội tụ đủ các điều kiện để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, số lượng khách, doanh thu từ du lịch, dịch vụ chỉ đạt khoảng 40% so với kế hoạch. Đầu năm 2022, tỉnh quyết định từng bước mở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ trong điều kiện “thích ứng an toàn mới”. Điểm nhấn là tổ chức thành công lễ hội Hoa Ban để tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về mảnh đất, con người Điện Biên với bạn bè trong nước, quốc tế. Mới đây, TP. Điện Biên Phủ cho phép mở lại các hoạt động kinh doanh không thiết yếu: Karaoke, massage, quán bar, vũ trường, quán internet, trò chơi điện tử, chăm sóc làm đẹp… Là tiền đề, cơ sở cho du lịch phát triển mạnh mẽ hơn.
Thời điểm tỉnh quyết định tổ chức lễ hội Hoa Ban, có nhiều ý kiến trái chiều, lo lắng. Cho rằng, việc “mở cửa” du lịch thời điểm này là hơi sớm, sẽ là nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với các giải pháp kiểm soát mang tính chủ động, linh hoạt, phù hợp; quy mô lễ hội được giản lược; cắt giảm những nội dung chưa thực sự cần thiết, tập trung chính cho phần lễ; làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá… nên lượng khách đến Điện Biên đã tăng trở lại.
Những ngày gần đây, không chỉ khách trong nước mà khách quốc tế đã đến Điện Biên nhiều hơn. Càng tin tưởng, phấn khởi hơn nữa khi hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang giảm dần. Nếu như ngày 17/3 có 3.097 ca nhiễm Covid-19 (cao nhất trong 2 năm qua), thì đến ngày 27/3 con số này đã giảm xuống còn 907 ca. Nhận định ban đầu, Covid-19 tại tỉnh ta đã qua đỉnh dịch. Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để “ngành công nghiệp không khói” phục hồi, tăng tốc.
Mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025 là nâng tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ, du lịch chiếm khoảng 8% GRDP (tăng 3% so với năm 2020). Tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân 15%/năm, đến năm 2025 đạt 1,3 triệu lượt khách, trong đó 300 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân trên 15%/năm, đạt 2.400 tỷ đồng năm 2025, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho 15.200 lao động.
Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra cho từng năm, giai đoạn đến năm 2025 và xa hơn nữa, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 chưa hoàn toàn biến mất, chúng ta cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về phát triển du lịch. Phải coi du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mũi nhọn của tỉnh, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và là định hướng phát triển kinh tế lâu dài, bền vững. Do vậy, trước hết phải tăng cường hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đảm bảo khả năng kết nối thuận tiện với các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, các khu du lịch trọng điểm của cả nước. Cùng với đó, huy động được các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí có tầm nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mang dấu ấn riêng, có sức cạnh tranh cao.
Tỉnh có 19 dân tộc anh em, do vậy phát triển du lịch phải gắn với yêu cầu gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; kết hợp với bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di lịch lịch sử đặc biệt quốc gia Chiến trường Điện Biên Phủ. Một mặt, xây dựng cơ chế phối hợp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tỉnh; chủ động kết nối giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh lân cận để khai thác, phát triển du lịch một cách bền vững, hiệu quả, phát huy lợi thế tổng thể của các tỉnh trong tiểu vùng Tây Bắc.
Con người là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch. Nên phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch với cơ cấu, số lượng hợp lý, nhất là năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp về du lịch, lữ hành và kỹ năng đội ngũ phục vụ. Nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến, tổ chức các sự kiện du lịch tầm cỡ có sức thu hút lớn.
Với chủ trương, giải pháp cụ thể, chi tiết; có thời gian, lộ trình rõ ràng; nguồn lực đủ mạnh; thu hút được nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, khai thác, tin rằng ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh sẽ bứt tốc, phát triển đúng như kỳ vọng trong thời gian tới.