ĐBP - Cùng với hệ thống quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, cảnh quan thiên nhiên đẹp kết hợp với đời sống văn hóa địa phương đã và đang được ngành du lịch tỉnh nhà tập trung khai thác nhằm tạo ra những nét riêng, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nằm ở ngoại vi trung tâm TP. Điện Biên Phủ, bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh có lợi thế với cảnh quan thiên nhiên đẹp, các nét văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Vậy nên những năm gần đây, bản đã tận dụng những nét đặc trưng này để phát triển du lịch cộng đồng. Anh Lường Văn Muôn, Trưởng bản Phiêng Lơi, chia sẻ: “Để thu hút du khách đến bản, chủ thể làm du lịch cần phải có những nét đặc sắc, hấp dẫn du khách. Bên cạnh việc chuẩn bị những món ẩm thực đặc sắc, chúng tôi còn duy trì hoạt động của đội văn nghệ, sẵn sàng phục vụ khi du khách có nhu cầu. Đồng thời, tập trung xây dựng cảnh quan, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường để phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi tận dụng lợi thế có dòng suối chảy qua, huy động người dân dựng cầu tre, cọn nước, lán ven suối… để du khách có thể lưu lại những bức ảnh đẹp. Từ đó, biến mảnh đất thuần nông trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến thưởng ngoạn, tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán. Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại Phiêng Lơi ngày càng tăng với những phản hồi rất tích cực…”.
Không chỉ ở Phiêng Lơi, với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, TP. Điện Biên Phủ chú trọng đầu tư, hỗ trợ xây dựng các bản văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu; xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại bản Kéo, xã Pá Khoang; bản Che Căn, xã Mường Phăng; bản Him lam 2, phường Him Lam; bản Noong Chứn, phường Nam Thanh... để thu hút khách tham quan, tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc. Đồng thời, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, các loại hình ca, múa, nhạc và nhạc cụ dân tộc; các trò chơi dân gian; các nghành nghề, lễ hội truyền thống; thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của các dân tộc, các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, địa phương này còn thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái trên cơ sở khai thác thế mạnh hệ sinh thái và các danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, nâng cấp các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trải nghiệm, chăm sóc sắc đẹp dành cho khách du lịch. Tổ chức các chương trình du lịch với các dịch vụ hấp dẫn dành cho du khách như: Ngắm cảnh đẹp tại hồ Pá Khoang; hồ Huổi Phạ; ruộng bậc thang bản Kê Nênh, Công viên ven sông Nậm Rốm, các tuyến đường hoa ban trên địa bàn thành phố…
Tủa Chùa được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm; cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ với rừng thông và quần thể chè Tuyết Shan cổ thụ quý hiếm, hệ thống hang động và ruộng bậc thang tuyệt đẹp, lòng hồ sông Đà đẹp nên thơ được ví như vịnh Hạ Long giữa lòng Tây Bắc. Vậy nên mảnh đất này hứa hẹn là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Chỉ riêng trong năm 2021, huyện đón trên 5.500 lượt khách du lịch, trong đó chủ yếu là khách nội địa đến thăm quan hang động, danh lam thắng cảnh. Nhằm triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch huyện Tủa Chùa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện đang tập trung xây dựng kế hoạch để mở rộng các hoạt động liên kết, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Ông Đặng Văn Công, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: Thời gian qua, huyện phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành tổ chức các Đoàn khảo sát, đánh giá xây dựng sản phẩm du lịch, khảo sát một số điểm đến có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn huyện để từ đó xây dựng những tour, tuyến đón du khách tới trải nghiệm. Cùng với đó, huyện tập trung phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch gắn với bảo vệ môi trường bền vững, phát triển nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo mang đậm bản sắc và văn hóa truyền thống. Huyện cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển du lịch. Với trang Fanpage Vẻ đẹp Tủa Chùa luôn được cập nhật thường xuyên những video, hình ảnh mới nhất, đẹp nhất về du lịch Tủa Chùa để đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá trên mạng xã hội facebook. Huyện tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn, mục tiêu từng bước phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Cùng với chuỗi các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban 2022, ngay trong những tháng đầu năm, Điện Biên đã đón nhiều đoàn Famtrip tới để phối hợp khảo sát các điểm đến, đánh giá tiềm năng du lịch tại các địa phương trong toàn tỉnh. Ông Đặng Minh Phương, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Thời gian qua, Trung tâm tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm sản phẩm du lịch mới, tìm kiếm điểm đến mới trên địa bàn toàn tỉnh. Từ 4 sản phẩm Trung tâm giới thiệu là TP. Điện Biên Phủ - huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ - Mường Nhé, TP. Điện Biên Phủ - Tuần Giáo - Tủa Chùa… các doanh nghiệp, công ty lữ hành đã xây dựng, phát triển thành hơn 100 sản phẩm nhỏ để chào bán cho du khách. Không chỉ vậy, Trung tâm còn tư vấn cho hàng trăm doanh nghiệp liên hệ để cập nhật thông tin các sản phẩm, các điểm đến du lịch hấp dẫn... Ngoài du lịch lịch sử thì hiện nay các đoàn khách tới từ TP. Hồ Chí Minh và một số đoàn khách nhỏ, lẻ đang quan tâm tới sản phẩm check - in tại ngã ba biên giới A Pa Chải, huyện Mường Nhé và tham quan, trải nghiệm tại huyện Tủa Chùa. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân hiện nay hầu như du khách mới chỉ đi xem là chủ yếu. Bởi đội ngũ hướng dẫn viên hiện nay vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa có những hướng dẫn viên theo đoàn dài ngày mà chỉ tập trung tại các điểm di tích. Còn tại các điểm đến khác vẫn chưa phục vụ được nhu cầu cho du khách. Ví dụ, công ty lữ hành Viettravel yêu cầu phải có khách sạn 3 sao trở lên. Nhưng tại huyện Tủa Chùa không thể có những cơ sở lưu trú lớn như vậy buộc công ty lữ hành phải “hạ chuẩn” để đón khách. Hay như cao nguyên đá Tả Phìn được ví như “tiểu Hà Giang” nhưng hầu như chưa có dịch vụ phục vụ du khách tại đây. Duy nhất chỉ có một cơ sở làm homestay nhưng chỉ là ăn, ngủ qua đêm chứ chưa mang đến cho du khách những trải nghiệm theo yêu cầu. Thế nhưng, điểm yếu lại cũng chính là điểm mạnh vì giữ nguyên trạng như vậy lại thu hút những du khách thích khám phá, trải nghiệm, hòa mình vào với vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi sự phát triển của xã hội.