Tạo đột phá cho du lịch nông thôn

10:24 - Thứ Hai, 09/05/2022 Lượt xem: 5822 In bài viết

Với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, du lịch nông thôn là một trong những điểm tạo đột phá. Thực tế cho thấy, việc khai thác hiệu quả du lịch nông thôn ở nước ta mang đến nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các mô hình này vẫn đứng trước không ít khó khăn, cần hỗ trợ để thúc đẩy phát triển.

Khách tham quan bằng xe điện tại Làng du lịch sinh thái Hồng Vân, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Ảnh: Trọng Hiếu

Phía trước còn nhiều “rào cản“

Với địa hình và khí hậu đặc trưng, Lào Cai có rất nhiều điểm du lịch nông thôn được xây dựng, khai thác hiệu quả như: Tả Phìn (thị xã Sa Pa), Y Tý (huyện Bát Xát)… Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai Nguyễn Trung Kiên cho biết, thôn Choản Thèn, xã Y Tý có 4 cơ sở lưu trú, lượng khách du lịch năm 2021 lên tới 15.000 lượt… Thông qua các hoạt động du lịch, cảnh quan, môi trường ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy...

Cũng như ở Lào Cai, theo Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới trung ương Ngô Trường Sơn, phát triển du lịch nông thôn đang là hướng mới ở nhiều địa phương. Qua đó phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời chuyển đổi mô hình kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa ngành, đa giá trị…

Dù vậy, du lịch nông thôn vẫn có những khó khăn, thách thức. Cụ thể, cơ sở hạ tầng ở nông thôn như đường, điện, nước sạch… còn hạn chế, người nông dân thiếu nguồn lực để đầu tư cho du lịch… Trong khi đó, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này chưa cụ thể và còn nhiều hạn chế. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Tuấn cho hay, chủ thể phát triển du lịch nông thôn là các hộ dân địa phương nên tiềm lực đầu tư hạn chế và vẫn “mạnh ai nấy làm”, chưa tạo ra bức tranh du lịch tổng thể. Người dân nông thôn rất cần được hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng, cải tạo môi trường…

Trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua đã hình thành nhiều mô hình du lịch nông thôn như tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)…; nhiều trang trại, hợp tác xã cũng đã kết hợp sản xuất nông nghiệp với hoạt động đón khách tham quan trải nghiệm...

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin, về cơ bản, các chủ thể thực hiện mô hình du lịch nông thôn ở Hà Nội không gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn nhưng lại phải đối mặt với không ít rào cản về cơ chế chính sách. Ví như, với các mô hình du lịch nông nghiệp, để đón khách, các chủ thể phải xây dựng một số công trình hạ tầng như nhà điều hành, bãi đỗ xe… nhưng do là đất nông nghiệp nên việc này trái quy định của pháp luật, rất cần Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ tháo gỡ...

Hỗ trợ phát triển các mô hình

Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện dự thảo Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ du lịch nông thôn được lấy từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021-2025.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang Đỗ Tấn Sơn, trong bối cảnh kinh phí bố trí cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 giảm so với các giai đoạn trước nên việc hỗ trợ cho du lịch nông thôn cần được tính toán căn cơ để sử dụng đồng vốn hiệu quả. Ví như, cần tập trung hỗ trợ chuyển đổi số cho các chủ thể làm du lịch; hỗ trợ cải tạo môi trường; bảo tồn nét đẹp văn hóa, lễ hội truyền thống của vùng đồng bào dân tộc nhằm tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - bà Trương Thị Thu Hương cho biết, để phát triển du lịch nông thôn, các cấp chính quyền cần điều tra khảo sát, thuê chuyên gia tư vấn xây dựng đề án, kế hoạch phát triển du lịch; hỗ trợ xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng; đào tạo, tập huấn cho người dân về phát triển du lịch... Còn Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) Phạm Hồng Long cho rằng, cần phải hài hòa lợi ích của các bên và các địa phương nên “bắt tay” với doanh nghiệp lữ hành chứ không thể ngồi chờ khách tự đến.

Theo Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới trung ương Ngô Trường Sơn, Bộ NN&PTNT sẽ hướng dẫn triển khai một số nội dung về phát triển du lịch nông thôn để các địa phương thực hiện; qua đó, nâng cao đời sống, phát triển năng lực, tư duy nhận thức của người dân về vấn đề này, hướng tới hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Bộ NN&PTNT cho biết, cả nước hiện có hơn 1.300 khu, điểm du lịch, trong đó có 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn với các hình thức đa dạng như du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề…

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top